Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Hà Giang
(TN&MT) - Phát biểu tại buổi Lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh của Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước nhất quán quan điểm phát triển văn hóa ngang hàng chính trị, xã hội; gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa góp phần bảo vệ an ninh quốc gia; phát huy bản sắc dân tộc, phát triển một cách khoa học, đại chúng.
Sáng 28/5, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác của Chính phủ tới dự lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh. Dự buổi lễ có các đồng chí: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH; Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Thường trực Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV, BCH Tỉnh ủy…
Dự án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh được khởi công vào tháng 12.2020 trên tổng diện tích quy hoạch 4.100m2, tổng mức đầu tư trên 106 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm thi công, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị giám sát và lực lượng thi công, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, đảm bảo yêu cầu cao về kiến trúc truyền thống, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị văn hóa, lịch sử.
Công trình sau khi cải tạo, nâng cấp sẽ trở thành điểm đến nổi bật, hấp dẫn, vừa mang đậm bản sắc độc đáo, riêng có vừa mang hơi thở thời đại. Không gian bảo tàng gồm 1 gian khánh tiết và 5 không gian trưng bày theo kịch bản được xây dựng dựa trên tiến trình thời gian, gồm: Cư dân Hà Giang theo dòng lịch sử; bảo vệ Tổ quốc và an ninh biên giới; văn hóa đa dạng; ba vùng sinh thái và xây dựng cuộc sống mới; thiết kế trang trí nội, ngoại thất theo nguyên tắc Bảo tàng học hiện đại, ứng dụng công nghệ số tạo hiệu ứng trực quan, sinh động, hướng đến trải nghiệm ấn tượng, sâu sắc cho khách tham quan. Đây là công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần gìn giữ, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào, nhân dân các dân tộc Hà Giang.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước nhất quán quan điểm phát triển văn hóa ngang hàng chính trị, xã hội; gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa góp phần bảo vệ an ninh quốc gia; phát huy bản sắc dân tộc, phát triển một cách khoa học, đại chúng.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ khó khăn với Hà Giang là địa phương chịu nhiều thiệt thòi, nhất là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra suốt 10 năm. Đồng thời cho rằng: Hà Giang đã đi đúng hướng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; việc khánh thành công trình Bảo tàng tỉnh đã góp phần phát triển công nghiệp văn hóa được Đảng ta xác định.
Công trình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống, gìn giữ giá trị lịch sử mà còn cần phải có tính chuyên nghiệp, tạo ra của cải vật chất bằng việc thương mại hóa và phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc. Thủ tướng đề nghị Hà Giang tiếp tục phát huy, sưu tập, tổ chức trưng bày để cho tổ chức, cá nhân, du khách thập phương được tham quan; chú trọng phát triển văn hóa một cách toàn diện, bao trùm, hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, nêu rõ: Hà Giang là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa, gắn liền với những chặng đường lịch sử trọng đại của đất nước, có vị trí địa chính trị trọng yếu, là phên giậu của Tổ quốc. Để Bảo tàng tỉnh đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, không chỉ là nơi đón tiếp, quảng bá, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách mà còn phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nuôi dưỡng, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với quê hương, đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa TT&DL, UBND thành phố Hà Giang và các cấp, ngành chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức đa dạng các hoạt động, sự kiện, dịch vụ; tiếp tục sưu tầm hiện vật, tổ chức các sự kiện trưng bày chuyên đề, các sự kiện văn hóa; tăng cường hoạt động trải nghiệm, để bảo tàng tỉnh thực sự sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn. Tăng cường kết nối bảo tàng với trường học, tổ chức các đoàn học sinh, sinh viên đến học tập, tham gia trải nghiệm tại bảo tàng. Xây dựng tuyến đi bộ kết nối Bảo tàng tỉnh đến Km0, Quảng trường 26.3, đập dâng nước, các điểm tham quan... tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách dừng chân tại thành phố Hà Giang. Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh, hoạt động của Bảo tàng trên các nền tảng công nghệ số; đưa Bảo tàng tỉnh trở thành một địa chỉ đỏ về quảng bá, giới thiệu hình ảnh, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo riêng có của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh nói chung và công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Hà Giang nói riêng. Đề nghị Bộ Văn hóa TT&DL, các bộ, ngành T.Ư tiếp tục quan tâm, giúp đỡ Hà Giang thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc; quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ để Bảo tàng tỉnh tiếp tục hoàn thiện công tác trưng bày, đảm bảo là nơi lưu giữ giá trị văn hóa Hà Giang và điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế; quan tâm hỗ trợ tỉnh xây dựng và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với vị thế vững chắc trong hệ thống mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận.