Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thừa Thiên Huế cần mạnh dạn để phát triển toàn diện hơn

Văn Dinh| 08/02/2020 16:53

(TN&MT) - Ngày 8/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế về một số vấn đề quan trọng, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ báo cáo đến đoàn công tác kết quả thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2020; công tác phòng chống dịch bệnh do virus Corona... 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 8/2

Theo ông Phan Ngọc Thọ, bước sang năm 2020, tỉnh xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm và xây dựng kế hoạch 2021 - 2025, đặc biệt là xây dựng chương trình hành động triển khai các đề án theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thừa Thiên Huế tăng 7,18% so với cùng kỳ, đứng đầu trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 8.320 tỷ đồng. Thừa Thiên Huế đã triển khai Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế; khởi công các dự án giao thông quan trọng như xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn; đê chắn sóng cảng Chân Mây...

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại buổi làm việc

Gợi mở thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cần thực hiện tốt để cho thấy Đảng quán triệt rồi thì Chính phủ hành động quyết liệt hơn, kịp thời hơn, tốt hơn trong thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

“Rất ít tỉnh có Nghị quyết của Bộ Chính trị, nên Huế cần làm tốt với các chủ trương và chương trình hành động cụ thể và các bộ, ngành cùng hỗ trợ. Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là nghị quyết đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế, chính vì thế mà cơ chế, mô hình, cách làm cũng phải đặc thù, không được áp dụng máy móc”- Thủ tướng nói.

Phát huy tính năng động và sáng tạo

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm Canh Tý có nhiều chủ trương, biện pháp mới, khí thế mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho tỉnh nhà và có nhiều khát vọng hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng đánh giá, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đặc biệt là năm 2019 tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, có nhiều mặt hết sức nổi trội về nâng cao mức sống người dân, hoàn thành toàn diện nhiều mục tiêu, kế hoạch, có nhiều cải cách, đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển.

“Sự chênh lệch giàu nghèo của tỉnh là thấp nhất khu vực Trung bộ, nhất là các huyện miền núi, đó là điều đáng mừng. Từ Nam Đông đến A Lưới, đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ nét, tôi cũng đã nhiều lần biểu dương Nam Đông là một trong những huyện miền núi xin ra khỏi chương trình 135 sớm nhất” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, Huế là địa phương không những phát triển kinh tế ổn định mà văn hóa còn được giữ gìn, nhất là các di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được trùng tu, tôn tạo và quan tâm đặc biệt - đây là nền tảng quan trọng trong phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh trên lĩnh vực du lịch.

Thủ tướng đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất của tập thể lãnh đạo tỉnh, đây là điều đáng mừng của một đảng bộ có truyền thống, trên dưới một lòng, chỉ đạo công việc thông suốt, hệ thống chính trị được vận hành tốt, hiệu quả. Đặc biệt, CNTT được ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực, trờ thành tỉnh đi đầu trong quản lý hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh, xử lý những vấn đề bức xúc của xã hội, quan tâm tốt hơn đến phục vụ người dân… Đây chính là nền tảng quan trọng để làm nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn, đưa Thừa Thiên Huế phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế 

Thủ tướng muốn tỉnh Thừa Thiên Huế rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dịch vụ trên các lĩnh vực để khắc phục nhanh chóng hậu quả ảnh hưởng dịch bệnh Corona để hoàn thành toàn diện vượt mức các nhiệm vụ năm 2020, nhất là tái cơ cấu, không vì dịch bệnh mà thoái chí, bàn lui mà cần phải quyết tâm hơn để tăng thu, kể cả ngân sách, du lịch. Đánh giá cao công tác phòng là chính trong ngăn chặn dịch Corona, đến nay Huế vẫn giữ hoạt động bình thường, khách du lịch các nước, vùng không dịch bệnh vẫn đến đông, đây là điều đáng mừng, các địa phương khác cần học tập.

“Huế - một trung tâm du lịch lớn của tỉnh, vì vậy cần tập trung kiểm soát công tác phòng chống dịch với phương châm: kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hoạt động tham quan du lịch ở các di sản, di tích, thắng cảnh trong cả nước vẫn diễn ra bình thường, trên cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát và có nhiều giải pháp phòng ngừa tốt...”, Thủ tướng nói. 

Huế cần mạnh dạn để phát triển

Về việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh có kế hoạch cụ thể để triển khai và các cơ quan của Chính phủ sẽ hỗ trợ để Thừa Thiên Huế thực hiện hiệu quả Nghị quyết quan trọng này. Đồng thời, tỉnh cũng cần mạnh dạn đề xuất những cơ chế, mô hình mới trong quá trình phát triển cho giai đoạn tới để Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm khoa học công nghệ đào tạo đa ngành chất lượng cao của miền Trung và của cả nước, năm 2045 trở thành thành phố Festival đặc sắc của Châu Á...

Thủ tướng kiếm tra tình hình phòng chống dịch virus Corona tại các điểm di tích Huế. Ảnh: Thái Bình

Thủ tướng cho rằng, với việc đặt ra nhiều mục tiêu cao hơn, lớn hơn đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng và đưa tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng đi lên và phát triển.

“Tôi yêu cầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cấp, các ngành của tỉnh có kế hoạch cụ thể để triển khai đạt hiệu quả. Đồng thời, các bộ, ngành cũng phải làm hết sức mình, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh triển khai Nghị quyết 54 ngay từ năm 2020 và những năm tiếp theo đạt kết quả tốt nhất”- Thủ tướng nói.

Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển

Thủ tướng cho rằng, tỉnh phải phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng không phải tỉnh nào cũng có được để triển khai như khu vực trí tuệ; di sản hữu hình và vô hình; cuộc đời sự nghiệp của những bậc vĩ nhân, nhà tư tưởng, nhân vật lỗi lạc, tài hoa mà mỗi cuộc đời gắn với một câu chuyện, địa danh cụ thể chứ không chỉ nói về văn hóa đền đài, lăng tẩm, các di sản vật thể khác. Phải làm cái gì đó để gây ấn tượng thu hút phát triển bền vững của Cố đô Huế. Đề án “Ngày Chủ nhật Xanh”, nói không với tui ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đề xuất cơ chế di dời dân khu vực 1 kinh thành Huế mà tỉnh đang thực hiện là những điểm mới và điển hình cần nhân rộng.

Về các kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng cơ bản nhất trí, đồng ý về nguyên tắc, thống nhất chủ trương, giao cho các bộ, ngành phối hợp với tỉnh triển khai. Đáng chú ý, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54 để Chính phủ cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế thúc đẩy thực hiện.

Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế; xây dựng bộ tiêu chí thực hiện thành phố trực thộc trung ương trên cơ sở đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế; đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thừa Thiên Huế cần mạnh dạn để phát triển toàn diện hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO