Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đất và nước rất quan trọng đối với Tây Nguyên

20/06/2016 00:00

(TN&MT) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "chúng ta không khuyến khích dân di cư đến Tây Nguyên nhưng vì miếng cơm manh áo, bà con đã đến đây rồi thì phải...

 

(TN&MT) - Trong chuyến công tác tại Đắk Lắk chiều 20/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị giao ban với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trong vùng.

Thủ tướng cho rằng phải suy nghĩ lại, từ điều tra cơ bản nguồn nước, lập quy hoạch các hồ chứa nước, những công trình phục vụ phát triển Tây Nguyên, nếu không sẽ thất bại, kể cả khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới nhỏ giọt, tưới phun ở những vùng sản xuất tập trung - Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng cho rằng phải suy nghĩ lại, từ điều tra cơ bản nguồn nước, lập quy hoạch các hồ chứa nước, những công trình phục vụ phát triển Tây Nguyên, nếu không sẽ thất bại, kể cả khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới nhỏ giọt, tưới phun ở những vùng sản xuất tập trung - Ảnh: Chinhphu.vn

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, vùng Tây Nguyên đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của hạn hán kéo dài. Toàn vùng có gần 179.600 ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, chủ yếu là lúa nước và cà phê; trong đó mất trắng hơn 16.000 ha; ước tổng thiệt hại trên 5.400 tỷ đồng. Ước kim ngạch xuất khẩu toàn vùng chỉ đạt 963 triệu đôla Mỹ, giảm trên 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhiều loại nông sản biến động mạnh ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nhân dân.

Song với sự nỗ lực của các tỉnh, khu vực Tây Nguyên tiếp tục duy trì, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt trên 59.400 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Huy động vốn đầu tư ước đạt 31 ngàn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Toàn vùng đạt 8.157 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, có 1 huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 80 xã được UBND các tỉnh công nhận đạt chuẩn, và 15 xã đang đề nghị công nhận. Lĩnh vực giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. An ninh quốc phòng được bảo đảm.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ rõ những hạn chế mà các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang gặp phải, đó là môi trường đầu tư chậm cải thiện; hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng; một số lĩnh vực vốn là thế mạnh của Tây Nguyên như sản xuất cà phê, cao su, hồ tiêu còn bộc lộ nhiều khó khăn như thiếu sự liên kết, chưa đầu tư công nghệ chế biến sâu đối với mặt hàng  này mà chủ yếu là xuất khẩu nguyên thô; công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu mới tập trung vào việc hỗ trợ trước mắt, chưa có nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban
Toàn cảnh Hội nghị giao ban của Thủ tướng với 5 tỉnh Tây Nguyên. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đạt được. Đặc biệt, vấn đề đất và nước rất quan trọng đối với Tây Nguyên, là nền tảng để người dân có sinh kế lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho rằng “chúng ta không khuyến khích dân di cư đến Tây Nguyên nhưng vì miếng cơm manh áo, bà con đã đến đây rồi thì phải quan tâm, chăm lo cho bà con”.

Vấn đề lớn với Tây Nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, nhất là hiện tượng El Nino thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải suy nghĩ lại, từ điều tra cơ bản nguồn nước, lập quy hoạch các hồ chứa nước, những công trình phục vụ phát triển Tây Nguyên, nếu không sẽ thất bại, kể cả khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới nhỏ giọt, tưới phun ở những vùng sản xuất tập trung. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian tới các tỉnh cần tập trung phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh. Tái cơ cấu kinh tế nhanh hơn, nhất là tái cơ cấu nền nông nghiệp bền vững. Thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, nhất là các chính sách giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Quản lý chặt chẽ dân cư tự do trên địa bàn. Tăng cường liên kết vùng để khai thác những tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi. Đẩy nhanh tiến độ tái canh cà-phê giai đoạn 2016-2020. Thực hiện tốt công tác sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn gắn với quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Rà soát hệ thống hồ đập, thủy lợi để có kế hoạch sửa chữa, tu bổ và đầu tư xây dựng mới, góp phần chống khô hạn. Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng-an ninh trong khu vực, nhất là an ninh nông thôn, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đất và nước rất quan trọng đối với Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO