Hôm nay, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Sóc Trăng trong tiếng Khmer (Srok Kh'leang) có nghĩa là “Xứ kho bạc”, cho thấy từ xưa vùng đất này vốn đã được tiền nhân nhận diện có tiềm năng lớn như thế nào. Tuy nhiên, nhiều người hiện nhìn Sóc Trăng như một tỉnh có ví trị kém thuận lợi, tựa như “nằm trong hẻm sâu”…
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều có cùng “cảm nhận được tiềm năng về con người và mảnh đất nơi đây”, như ý kiến của bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, vừa qua, lãnh đạo cao nhất của tỉnh đã đích thân ra Hà Nội, đến tận trụ sở của Tập đoàn để mời gọi đầu tư và nhìn nhận, “đây là một cách thức thu hút đầu tư rất đổi mới, cho thấy những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo ra môi trường tốt nhất để doanh nghiệp yên tâm về đầu tư trên địa bàn”.
Với những tiềm năng của tỉnh Sóc Trăng, Tập đoàn FLC quyết định nghiên cứu đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn kết hợp phát triển du lịch sinh thái cũng như nghiên cứu đầu tư tổ hợp vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp tại trung tâm thành phố Sóc Trăng với kỳ vọng góp phần đưa Sóc Trăng trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Cho biết lý do chọn Sóc Trăng để xây dựng nhà máy, ông Kyi Hak Sung, Tập đoàn Youngone, Hàn Quốc, bày tỏ, “lãnh đạo tỉnh chân thành, có cách làm việc đổi mới, tinh thần ủng hộ dự án đầu tư của chúng tôi” mặc dù chi phí ban đầu để xây dựng nhà máy ở đây khá lớn. Việt Nam là điểm đến thứ 5 trên thế giới của Tập đoàn.
Đánh giá cao chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã năng động, quyết liệt, tận tụy với người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng biểu dương nỗ lực của chính quyền Sóc Trăng đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh với sự tham dự của nhiều tập đoàn lớn không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài. Đặc biệt, Hội nghị đã đạt được con số 6 tỷ USD, trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư đến 1 tỷ USD và nhiều hợp đồng tín dụng quan trọng, nhiều bản ghi nhớ hợp tác đầu tư…
Vùng đất hạ lưu sông Mekong sẽ trở thành vùng đất trung lưu về mức sống
Bày tỏ tầm nhìn đối với Sóc Trăng, Thủ tướng nêu rõ: Đây là vùng đất hạ lưu sông Mekong và trong thập kỷ tới, sẽ trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, là niềm cảm hứng về ý chí vượt khó, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu của các cộng đồng người dân Sóc Trăng nói riêng, ĐBSCL nói chung. “Chỉ có nguồn cảm hứng mạnh mẽ như thế thì chúng ta mới hành động quyết liệt đưa tỉnh Sóc Trăng tiến lên”, Thủ tướng nói.
Bày tỏ niềm tin, tình cảm dành cho Sóc Trăng, Thủ tướng đã dẫn lại một đoạn ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn trong bài hát “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng”: “Người dân quê tôi Sóc Trăng/Đã bao đời dầm mưa dãi nắng/Đổi lấy chén cơm thơm ngọt/Như sữa Mẹ mát ngọt đời con/ Sông quê tôi đổ về ba ngã/Cây trái ngọt uống dòng phù sa”.
“Và như quý vị biết, một quốc gia hay một địa phương muốn vươn lên và thành công đều phải dựa vào tiềm năng và lợi thế so sánh của mình. Vấn đề là chìa khóa nào để biến những lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh?”, Thủ tướng phân tích. Như tên gọi của mình, Sóc Trăng trong tiếng Khmer (Srok Kh'leang) có nghĩa là “Xứ kho bạc”. Điều này cho thấy từ xưa vùng đất này vốn đã được tiền nhân nhận diện có tiềm năng lớn như thế nào. Tuy nhiên, nhiều người hiện nhìn Sóc Trăng như một tỉnh có ví trị kém thuận lợi, tựa như “nằm trong hẻm sâu”. Nhưng nếu nhìn từ phía Biển Đông thì Sóc Trăng lại có vị trí cực kỳ đắc địa, là mặt tiền hướng biển. Không những thế, Sóc Trăng còn là nơi sông Hậu đổ ra Biển Đông tại cửa biển nổi tiếng là Trần Đề. Có thể nói Sóc Trăng có hai mặt tiền: Mặt tiền hướng Biển Đông của ĐBSCL và mặt tiền của đất nước ở một trong những con sông được gọi tên và biết đến nhiều nhất thế giới là sông Mekong (chỉ sau sông Amazon).
Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng có nhiều giá trị văn hóa độc đáo riêng có được gọi là “văn hóa xứ Giồng” thể hiện qua các mặt đời sống hằng ngày của người Sóc Trăng, từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội của người Kinh, Hoa, Khmer và số ít người Chăm. Người dân Sóc Trăng thể hiện đức tính quý trọng nhân nghĩa, thẳng thắn, bộc trực, sống hào phóng, giản dị, tình cảm mộc mạc, chân thành.
Theo Thủ tướng, Sóc Trăng có nhiều tài nguyên có giá trị du lịch lớn như Vườn Cò Tân Long, Cồn Mỹ Phước, Chợ nổi Ngã Năm… Nhiều giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc mang tầm cỡ quốc gia như lễ hội Ooc Om Boc – Đua ghe Ngo (Cúng trăng) và rất nhiều lễ hội độc đáo khác. Ẩm thực phong phú đa dạng mang tính bản địa cao như bánh Pía, bún nước lèo, bánh Cống, bò nướng ngói…
Không nên đóng khung theo địa giới hành chính
Từ phân tích các tiềm năng và lợi thế sẵn có, Thủ tướng đưa ra lời khuyên đối với nền kinh tế Sóc Trăng trong tương lai là tập trung phát triển dựa trên 3 trụ cột chính. Một là nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ hai, thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao. Thứ ba, du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh; cùng với đó là phát triển năng lượng tái tạo.
Sóc Trăng cần vượt lên chính mình để xây dựng một niềm tin, niềm cảm hứng mới cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Thủ tướng mong muốn và cảnh báo Sóc Trăng, nhiều địa phương trong vùng hiện đã và đang nổi lên như một điểm đến mới của nhiều nhà đầu tư. Một số địa phương trong vùng có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…). Do đó, nếu Sóc Trăng không vươn lên mạnh mẽ thì sẽ lạc hậu.
“Với Sóc Trăng, không có gì là không thể đạt được nếu chúng ta có quyết tâm và tận dụng được các yếu tố của thiên thời, địa lợi và nhân hòa”, Thủ tướng nói. Trong đó, yếu tố then chốt quyết định sự thành công là nhân hòa với một khía cạnh là phải làm sao thu phục, thu hút người tài, đặc biệt là con em địa phương thành danh ở đâu đó, đắc nhân tâm họ để kéo họ về giúp sức cho quê hương.
Nhấn mạnh giáo dục là chìa khóa, Thủ tướng nêu rõ, đây chính là động lực tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm đối với Sóc Trăng nói riêng cũng như các tỉnh miền Tây nói chung. Không thể chấp nhận Sóc Trăng là vùng trũng về giáo dục đào tạo.
Cần phải đẩy lùi tư duy và tập quán canh tác cũ, manh mún, nhỏ lẻ, tâm lý cục bộ, dễ bằng lòng với kết quả bước đầu, an phận, thủ thế với vuông tôm, vựa cá mà mất đi chí hướng học hành, nâng trí thức để bứt phá vươn lên trong cộng đồng dân cư Sóc Trăng.
Sóc Trăng đã được thiên nhiên ưu đãi ruộng vườn thẳng cánh cò bay đến đường chân trời, đã uống chung dòng nước Cửu Long thì không nên tư duy cục bộ, đóng khung theo địa giới hành chính.
Thủ tướng đề nghị Sóc Trăng phát triển mô hình 6 nhà khi mà “chúng ta thường nói nhiều đến mô hình liên kết 4 nhà hay thậm chí 5 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học) nhưng tôi đề cập thêm một nhà nữa, đó là nhà phân phối”. Chúng ta làm ra sản phẩm nhưng không bán được hoặc bán giá thấp (như tình trạng dư thừa và giải cứu nhiều mặt hàng nông sản thời gian qua) là do thiếu liên kết với nhà phân phối.
Cho rằng hiện tại việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn nhiều hạn chế, Thủ tướng đặt vấn đề: Vậy điều gì khiến cho việc liên kết này không thực sự hiệu quả? Đâu là những mắt xích yếu nhất trong các chuỗi liên kết? Điều gì khiến cho các mắt xích này bị lỏng lẻo khiến cho chúng hay bị rời ra? Đâu là mắt xích có giá trị gia tăng cao nhất trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp (từ R&D, trồng trọt, xây dựng thương hiệu, marketing, bán hàng…?). Nông nghiệp Sóc Trăng đang ở đâu và có thể làm gì để chuyển dịch sang các mắt xích có giá trị gia tăng cao hơn? Đó là những câu hỏi then chốt mà Sóc Trăng cần phải trả lời để tìm được lời giải cho bài toán phát triển bền vững.
Tại sao Thủ tướng về đây 3 lần?
Đề cập đến thực trạng ngoài tiếp cận đất đai thì từ lâu tiếp cận vốn của người nông dân vẫn còn khó khăn, Thủ tướng đặt câu hỏi là tại sao đến nay vẫn không thể giải quyết thấu đáo vấn đề thiếu hụt vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng của người nông dân? Làm sao để giải quyết căn cơ tình trạng này?
Thủ tướng yêu cầu Sóc Trăng cải thiện môi trường kinh doanh. Sóc Trăng phải thu hẹp những khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh, cùng chung tay làm cho vùng đất “chín rồng” trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sóc Trăng cần có phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm chi phí cung cấp các dịch vụ công như y tế, giáo dục, dịch vụ hành chính công. Việc bố trí lại dân cư theo hướng tập trung, xóa bỏ tình trạng cư trú phân tán còn giúp giảm chi phí thu hồi và tập trung đất đai cho nhu cầu dự án đầu tư lớn cũng như phát triển mở rộng sau này.
Thủ tướng cũng lưu ý Sóc Trăng về vấn đề môi trường khi mà tỉnh cũng như vùng ĐBSCL hết sức nhạy cảm với môi trường. Do đó, các dự án công nghiệp lớn phải hết sức thận trọng. Thu hút đầu tư nhưng phải cân nhắc kỹ về công nghệ, về môi trường. Những dự án công nghiệp trong khu vực cần đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng các tác động đối với nguồn nước, khí hậu, môi trường, nông nghiệp.
Tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về vấn đề di dân và lao động “khi chúng ta thấy hình ảnh bà cụ già nuôi cháu nhỏ, cha mẹ phải lên Bình Dương tìm việc làm”. Vì vậy, Sóc Trăng phải thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn cho người dân để họ không bỏ xứ ra đi. “Đây cũng là lý do Thủ tướng về đây tới 3 lần trong thời gian qua mặc dù Thủ tướng vô cùng bận rộn”, Thủ tướng nói.
Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thành công. Nhưng, một điều đặt ra là phải làm sao gắn được lợi ích của nhà đầu tư với phúc lợi của người dân địa phương, tránh việc cấp phát các ưu đãi vô điều kiện với nhà đầu tư trong khi người dân hoàn toàn bị đứng ra ngoài lề của sự phát triển. Các ưu đãi cần được đối ứng bằng các cam kết đóng góp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
“Tương lai gần Sóc Trăng phải là kho chứa bạc của các nhà đầu tư, của người dân, của cả nước. Tôi có niềm tin như thế”, Thủ tướng chia sẻ.