(TN&MT) - Chiều 3/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam (3/10/1945 – 3/10/2020) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực; nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên; nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang; các Thứ trưởng Bộ TN&MT, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương; nguyên lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (KTTV) qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TN&MT.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt tay chúc mừng các nguyên lãnh đạo ngành KTTV |
Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của ông Antonion Alessandro, Đại sứ Cộng hoà Italia tại Việt Nam, ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Cộng hoà Phần Lan tại Việt Nam và đại diện các đối tác quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành KTTV luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; đặc biệt là sự quan tâm sâu sát của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc ở nhiều vị trí công tác khác nhau. Những con người KTTV dù công tác trong bất cứ giai đoạn nào luôn nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm chiến đấu phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Qua mỗi một thời kỳ, tuy có những khó khăn gian khổ khác nhau, song với tinh thần quyết tâm phục vụ, phấn đấu, ngành KTTV Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích với những dầu mốc quan trọng. Về công tác điều tra cơ bản KTTV, từ một mạng lưới quan trắc thưa thớt, ít ỏi và lạc hậu do các chế độ cũ để lại, đến nay ngành đã có một mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia với 1719 trạm/công trình/phương tiện đo KTTV, trong đó nhiều loại trạm đã được tự động hóa với tỷ lệ cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chúc mừng tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam |
Cùng với sự phát triển của đất nước, công tác dự báo KTTV liên tục có những bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, công nghệ dự báo số đã được triển khai ứng dụng nghiệp vụ trong toàn ngành. Các mô hình khu vực phân giải cao cùng với các hệ thống dự báo tổ hợp hạn ngắn và hạn vừa đã và đang được vận hành hiệu quả giúp nâng thời hạn dự báo lên 5 ngày và vẫn đảm bảo độ tin cậy tương đương các dự báo bão 3 ngày như trước đây; triển khai dự báo thời tiết điểm chi tiết cho khoảng 700 điểm trên toàn quốc…
Cùng với đó, các bản tin dự báo KTTV được phát triển đa dạng hơn, chi tiết hơn, đồng thời tăng cường các bản tin dự báo chuyên để, dự báo KTTV biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quân đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.
Đặc biệt, hợp tác quốc tế của ngành KTTV không ngừng được mở rộng. Hiện Việt Nam có quan hệ với nhiều tổ chức và các nước trên thế giới và khu vực trong lĩnh vực KTTV và môi trường, như: UNDP, UNEP, UNESCO, ESCAP, APCC, Uỷ ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, Trung tâm phòng tránh thiên tai Châu Á... Qua đó, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh chóng trên con đường hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
“Có được các kết quả nói trên là nhờ sự quan tâm của của Đảng, sự chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, sự hợp tác nhịp nhàng và giúp đỡ tận tình của bạn bè quốc tế; sự nỗ lực, hy sinh của hàng nghìn cán bộ ngành KTTV trên toàn mặt trận. Ngành KTTV luôn ghi nhớ, biết ơn và trân trọng đối với sự quan tâm, lãnh đạo, phối hợp và giúp đỡ vô cùng quý báu đó”, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái chia sẻ.
Vui mừng trước sự trưởng thành, lớn mạnh của ngành KTTV trong suốt 75 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ở đâu có vùng trời, vùng biển và lãnh thổ Việt Nam thì ở đó có KTTV và sự hiện diện các cán bộ, nhân viên của ngành KTTV Việt Nam. Những thế hệ đầu tiên lãnh đạo ngành KTTV là những người nổi tiếng như cụ Nguyễn Xiển (giai đoạn 1945-1976), ông Trần Văn An (giai đoạn 1976-1991), ông Nguyễn Đốc Ngữ (giai đoạn 1991 – 1999).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chất lượng dự báo, cảnh báo thời thiết, thiên tai ngày càng được nâng lên, dần tiệm cận với trình độ của các nước phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới.
“Chúng ta tự hào về những cán bộ, công chức, người lao động của ngành, ở bất cứ thời kỳ nào đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, gian khổ, làm việc thầm lặng và nỗ lực cống hiến hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu và lãnh đạo, cán bộ Tổng cục KTTV |
Phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, ngành KTTV cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tập trung phát triển ngành KTTV đồng bộ theo hướng hiện đại hoá. Trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có, cần coi việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp chủ yếu để phát triển. Khai thác triệt để những thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hoá ngành KTTV, chú trọng ứng dụng các công nghệ hiện đại như cơ sở dữ liệu lớn, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo…
“Thực hiện đầu tư cho ngành KTTV cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về KTTV, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo KTTV, phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Đặc biệt, cần lưu ý nghiên cứu, thiết lập các trạm quan trắc về những hiện tượng thiên tai bất thường, thiệt hại lớn như lũ quét, động đất… để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh.
Hiện đại hoá hệ thống thông tin chuyên ngành; thu thập và khai thác các thông tin từ vệ tinh đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, động đất… Hoàn thiện việc trang bị mạng lưới ra đa thời tiết để theo dõi và dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ như tố, lốc, vòi rồng, mưa đá, lũ quét.
Thứ ba, đổi mới phương thức quản lý và phục vụ của ngành KTTV theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát thời tiết, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành liên quan. Đồng thời, khuyến khích xã hội hoá, thương mại hoá hoạt động KTTV và tăng cường sử dụng thông tin KTTV trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa sự hợp tác, viện trợ về phương pháp và công nghệ mới, về thiết bị, máy móc và phương tiện kỹ thuật, đào tạo cán bộ khoa học.
Thứ tư, nghiên cứu, từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp KTTV. Tạo cơ chế khuyến khích và liên kết với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất các thiết bị quan trắc và công nghệ truyền tin số liệu KTTV. Nghiên cứu phát triển công nghệ tăng cường hợp tác với cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển công nghệ, thiết bị phục vụ công tác dự báo, quan trắc KTTV nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu thiết bị, công nghệ KTTV.
“Với truyền thống vẻ vang trong 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành KTTV cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nhất là nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tiếp thu những chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái khẳng định, toàn ngành KTTV sẽ tiếp tục tiếp nối truyền thống 75 năm tự hào, kết hợp đồng bộ giữa kinh nghiệm và tri thức về chinh phục thiên tai của dân tộc với thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, phát huy hơn nữa tinh thần đổi mới, sáng tạo, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trên mặt trận phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng ngành theo hướng đổi mới, hiện đại đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì Việt Nam hùng cường.
*Ghi nhận và biểu dương những đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTTV, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Tổng cục KTTV Việt Nam.
Thừa uỷ quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Tổng cục KTTV Việt Nam |
* Trước khi tham dự Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã thăm quan triển lãm trưng bày “Thành tựu khoa học ứng dụng KTTV trong dự báo, cảnh báo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, thăm quan Phòng truyền thống ngành KTTV Việt Nam và Trung tâm điều hành tác nghiệp KTTV.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo TN&MT ghi lại:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan phòng truyền thống ngành KTTV
|