Thủ tướng ‘đặt hàng’ tìm động lực tăng trưởng mới

18/12/2018 22:12

(TN&MT) - Sáng 18/12, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về một số công tác của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban đề nghị tập trung triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu ngay tại thời điểm cuối năm 2018.

Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về một số công tác của Tiểu ban kinh tế-xã hội. Ảnh: chinhphu.vn

Diễn ra sau phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hơn 1 tháng (9/11/2018), cuộc họp hôm nay bàn về việc hoàn thiện chế độ công tác, giao nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ 2 của Tiểu ban, thảo luận, làm rõ hơn nữa lộ trình, phân chia thời gian, công việc.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận phương pháp, cách thức xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 để làm sao có “cách làm tốt nhất, khoa học nhất, sát nhất, dễ chấp nhận nhất, hiệu quả nhất”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Sau khi nghe các ý kiến, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng cơ bản thống nhất dự thảo chương trình kế hoạch và lộ trình thực hiện, chia theo từng tháng, từ 1/2019-3/2021. Trong đó, có 2 mốc quan trọng là trình Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5/2019 để Hội nghị thảo luận, cho ý kiến, từ đó hoàn thiện đề cương chi tiết, bao gồm những nội dung, vấn đề cốt lõi. Mốc thứ hai là trình Hội nghị Trung ương 11 vào tháng 10/2019 để thông qua dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, gửi đảng bộ các cấp cho ý kiến.

Về cách làm, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu ngay một số vấn đề trọng tâm để xây dựng Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung đầu tư nhiều hơn, huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, làm nòng cốt cùng với Tổ biên tập và Văn phòng Chính phủ để chuẩn bị báo cáo.

“Các đồng chí xác định từng nội dung, các vấn đề trọng tâm trên từng lĩnh vực để tập trung triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu ngay tại thời điểm cuối năm 2018. Không đặt hàng bây giờ thì sẽ muộn, không kịp lộ trình đặt ra”, Thủ tướng nói. Mỗi vấn đề giao cho một hoặc một số cơ quan nghiên cứu, hoặc chuyên gia, nhà khoa học, có sản phẩm và thời hạn cụ thể. Từ đó, những đặt hàng này sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá.

Quang cảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: chinhphu.vn

Định hướng các nội dung trọng tâm để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ nghiên cứu, Thủ tướng gợi ý vấn đề phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam. “Chúng ta phải phát triển cao mặc dù rất khó khăn trong điều hành nhưng không cao, không nhanh thì sẽ trì trệ vì quy mô nền kinh tế của ta còn thấp”. Không thể nói chỉ cần chất lượng mà không cần số lượng. Phương hướng phải mạnh mẽ hơn, ý chí hơn. Phát huy nguồn lực đất nước mạnh mẽ để phát triển và giải quyết đời sống của người dân.

Đối với đột phá chiến lược, Thủ tướng đặt vấn đề xem có đột phá nào mới và lấy ví dụ về việc khẳng định vai trò của khoa học công nghệ, của kỷ nguyên số, của thời đại mới đặt ra như thế nào khi mà không có khoa học công nghệ thì chúng ta sẽ tụt hậu. Hay cũng cần nghiên cứu vấn đề thể chế, tháo bỏ các thể chế lạc hậu, cũ kỹ, ràng buộc bởi nếu không làm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Khoa học công nghệ, nhất là kỷ nguyên số hay cách mạng 4.0, giải quyết bài toán tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, bao gồm những nội dung gì? Đột phá về phát triển kinh tế tư nhân là như thế nào?

“Câu hỏi là tìm động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam, cần đưa ra Tiểu ban để thảo luận, trong đó có vấn đề phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp…”, Thủ tướng gợi mở. Phải phân tích sâu sắc hơn những đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện hay để có giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn. Thủ tướng lấy ví dụ, lao động dư thừa trong nông nghiệp còn lớn (tới 42% lao động làm việc trong khu vực này). Đây là bài toán dẫn tới năng suất lao động thấp. “Cho nên, cùng kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể và vấn đề lao động nông nghiệp hiện hành, chúng ta phải giải được bài toán năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động ở Việt Nam là rất lớn. Vấn đề con người là vấn đề quan trọng nhất”.

Vấn đề nữa là thị trường vốn, thị trường đất đai còn bất cập, nguồn lực chưa được phân bổ hợp lý hay vấn đề doanh nghiệp Nhà nước còn hoạt động chưa hiệu quả…

Thủ tướng cũng đặt vấn đề về coi trọng nhu cầu nội địa (nội nhu) để phát huy tiềm năng của thị trường 100 triệu dân bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục thu hút FDI có chọn lọc, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng; kết hợp khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cũng là những vấn đề cần đặt ra trong quá trình xây dựng các văn kiện.

Đối với tư duy, quan điểm phát triển, Thủ tướng gợi ý, cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội và môi trường, quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa phát triển toàn diện và tập trung mũi nhọn, trong đó làm rõ hơn mũi nhọn. Hay mối quan hệ quan trọng nữa là bảo đảm nền kinh tế tự chủ, tự cường với xu hướng mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế. “Phân tích mối quan hệ này như thế nào là bài toán không đơn giản. Lấy chỉ số nào để xác định nền kinh tế tự cường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Các đồng chí cũng nên đặt vấn đề trong báo cáo về tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, Thủ tướng nói. Không đặt vấn đề về cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì không thể thành công trong phát triển.

Thủ tướng cũng lưu ý quy chế hoạt động của Tiểu ban, của Tổ biên tập cần thể hiện rõ quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ, trách nhiệm, cầu thị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, biên tập, hoàn chỉnh các dự thảo Chiến lược, Kế hoạch. Đặc biệt, chú trọng phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban văn kiện trong suốt quá trình xây dựng báo cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng ‘đặt hàng’ tìm động lực tăng trưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO