Môi trường

Thủ Thừa (Long An): Chú trọng bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Bạch Thanh (thực hiện) 19/10/2023 - 16:34

Với vị trí thuận lợi, huyện Thủ Thừa đã và đang trên đà chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là địa phương tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo tốt hơn về nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa xung quanh nội dung này.

h1.jpg
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa

PV: Được biết, Thủ Thừa là huyện đang trên đà phát triển khá mạnh của tỉnh Long An. Xin ông cho biết đôi nét về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Quân:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của huyện, đến nay cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại- dịch vụ, nông nghiệp; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có nhiều khởi sắc. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện chung, bình quân 3 năm từ 2021 đến 2023 là 6,3%; trong đó tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ, nông nghiệp tăng tương ứng là 6,9% - 5,85% - 3,96%.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tập trung chỉ đạo chặt chẽ; chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; cây lúa, cây chanh và các loại cây trồng khác phát triển ổn định. Kế hoạch kinh tế - xã hội có bước phát triển; thu ngân sách đạt chỉ tiêu tỉnh giao; văn hóa xã hội được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Bên cạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm, đầu tư xây dựng thực hiện, cơ bản đảm bảo lộ trình đề ra. Đến nay toàn huyện có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 17,73 tiêu chí/xã. Ước năm 2023, xã Long Thạnh đạt chuẩn xã nông thôn mới, xã Bình Thạnh đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đang thực hiện theo lộ trình kế hoạch. Riêng thị trấn Thủ Thừa tiếp tục xây dựng theo hướng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Song song đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục thực hiện và giữ vững lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị; giữ vững 10/11 xã văn hóa; phát động thi đua xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2023.

Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, song tình hình kinh tế - xã hội của huyện hiện nay vẫn còn khó khăn, hạn chế. Trong đó, giá vật tư đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất; hoạt động của một số tổ hợp tác, hợp tác xã chưa hiệu quả, ngưng hoạt động; tiến độ đầu tư hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư được tập trung thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm, khối lượng thực hiện và giải ngân chưa đạt yêu cầu…

h2.jpg
Thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn huyện Thủ Thừa

PV: Hiện nay, Thủ Thừa đang tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và dần hình thành, phát triển khu cụm công nghiệp. Vậy đâu là điểm nội bật trong công tác BVMT ở địa phương thời gian qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quân:

Thủ Thừa có vị trí giáp với TP Tân An, huyện Bến Lức và cách TP.HCM chỉ khoảng 40km, vì vậy huyện có điều kiện tiếp cận thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đặc điểm của Thủ Thừa là huyện nông nghiệp, người dân địa phương vẫn quen với lối sống nông thôn. Bởi thế, huyện rất quan tâm đến vai trò lãnh đạo, quản lý về công tác BVMT.

Thời gian qua, các hoạt động BVMT được tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn huyện. Hàng năm, cơ quan chuyên môn có kế hoạch liên tịch với tổ chức đoàn thể Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN huyện, Huyện đoàn… để tuyên truyền đến hội viên nội dung về BVMT như: Luật BVMT; Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; thực hiện trồng cây xanh để chống biến đổi khí hậu, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, thu gom rác.

Đặc biệt là hàng năm, huyện đều giao cơ quan chuyên môn thực hiện việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, các địa phương: xã Long Thạnh, xã Mỹ Phú, thị trấn Thủ Thừa còn xây dựng mô hình đổi rác thải nhựa lấy gạo, đổi vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật lấy gạo với nguồn kinh phí xã hội hóa. Qua đó, người dân dần bắt đầu có thay đổi ý thức về nhiệm vụ BVMT.

Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện có lúc, có nơi còn diễn ra. Hiện nay, huyện đang dần hình thành các khu, cụm công nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nên dự báo tình trạng phức tạp trong kiểm soát môi trường. Mặt khác, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều tồn tại, khó khăn; ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, còn tình trạng vứt, đổ rác thải, chất thải ra lề đường và xuống sông, kênh, rạch,... gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

h3.jpg
Thủ Thừa hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế- xã hội của địa phương

PV: Như vậy, huyện Thủ Thừa sẽ có nhiệm vụ, giải pháp gì để đảm bảo tốt hơn về nhiệm vụ BVMT nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương?

Ông Nguyễn Văn Quân:

Huyện Thủ Thừa luôn luôn xác định BVMT là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Để phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường. Hướng tới phát triển bền vững thì cần phải thực hiện kiên trì, lâu dài, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc với quyết tâm cao, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung tay, góp sức các nhiệm vụ, hoạt động BVMT.

Từ những hạn chế như đã nêu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, BVMT là trách nhiệm của toàn xã hội, mà cơ quan nhà nước là đơn vị chủ đạo, tuy nhiên, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân còn suy nghĩ việc BVMT, thu gom, xử lý rác thải là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, của đơn vị chuyên môn. Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về công tác BVMT nói chung, công tác thu gom, xử lý rác thải nói riêng nên chưa sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chưa cao, hiệu quả đạt được còn thấp, có nơi còn mang tính hình thức. Trong hoạt động nông nghiệp rác thải phát sinh chưa được thu gom triệt để cho vào hố chứa, một phần nhỏ còn lại vứt tràn lan ngoài đồng ruộng…

Từ đó, thời gian tới, huyện Thủ Thừa sẽ tăng cường chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trong việc triển khai thực hiện chỉ tiêu thu gom rác thải. Tổ chức xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm tập trung. Quản lý tốt rác thải công nghiệp, nguy hại, rác thải sinh hoạt; giải quyết tốt ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp và các điểm nóng khác.

Song song đó, tiếp tục chỉ đạo ngành TN&MT huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các kế hoạch liên tịch với MTTQ và các đoàn thể trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT, áp dụng các mô hình BVMT với sự tham gia của cộng đồng. Đây được xem là hướng tiếp cận quan trọng, lâu dài và bền vững.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ đề xuất UBND tỉnh quan tâm đến các dự án đầu tư trên địa bàn cần xem xét tiếp nhận các ngành nghề ít gây ô nhiễm môi trường, ít tiêu hao năng lượng và đúng quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Đặc biệt là không tiếp nhận những ngành nghề có mức ô nhiễm cao, kể cả ngay trong các khu, cụm công nghiệp.,,

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ Thừa (Long An): Chú trọng bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO