Thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác

Mai Đan - Hoàng Ngân| 28/10/2020 14:13

(TN&MT) - Sáng 28/10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các xã, thôn bản khó khăn nhất

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Với sự nỗ lực cao độ của Ủy ban dân tộc, các Bộ ngành, địa phương, các nhà quản lý, các nhà khoa học, chúng ta đã tham mưu đề xuất để Bộ Chính trị ban hành Kết luận, Chính phủ xây dựng dự thảo, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt đề án; Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Đây là 1 sự kiện mang dấu ấn lịch sử trong công tác dân tộc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN); là một giải pháp đột phát có tính chất quyết định để thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng DTTS và MN so với các vùng khác; nhằm thực hiện chủ trường “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, chính sách dân tộc được tiếp cận theo 3 nhóm chính sách chính gồm: chính sách theo khu vực vùng, miền; chính sách tiếp cận theo lĩnh vực và chính sách theo dân tộc và nhóm dân tộc.

Về chính sách theo khu vực vùng, miền, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển thành 3 khu vực: khu vực III (khó khăn nhất), khu vực II (có nhiều khó khăn), khu vực I (bước đầu phát triển) để tập trung đầu tư vào khu vực III.

Chính sách tiếp cận theo lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, phát triển kinh tế… đã được thể hiện rất cụ thể trong dự án 4, 5, 6, 7 trong chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với chính sách theo dân tộc và nhóm dân tộc, giai đoạn trước đây chính sách tập trung cho nhóm dâm tộc rất ít người (dưới 10.000 người, gồm 16 dân tộc). Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo xây dựng: “Ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”.

“Mục đích của việc phân định vùng DTTS và MN theo trình độ phát triển, xác định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí xác định dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù nhằm thực hiện tốt nguyên tắc: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất (điểm a, mục 4, điều 1, Nghị quyết số 120/2020/QH14)”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho hay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Thị Hạnh điều hành hội thảo

Theo ông Phạm Tuấn Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), dân tộc còn gặp nhiều khó khăn là dân tộc đáp ứng được 1 trong 2 tiêu chí sau: Có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều từ 50% trở lên; có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều dưới 50% và đáp ứng 3 trong 6 chỉ số sau: tỷ lệ hộ nghèo ≥ 1,5 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung của 53 DTTS; tỷ lệ người DTTS tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên ≤ 30% so với mức bình quân chung của 53 DTTS; tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết tiếng việt ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 DTTS; tỷ lệ hộ DTTS có nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơn ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 DTTS; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí/nhà tiêu không hợp vệ sinh ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 DTTS; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 DTTS.

Ông Phạm Tuấn Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ dân tộc thiểu số phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, dân tộc có khó khăn đặc thù là dân tộc đáp ứng một trong hai tiêu chí. Trong đó, tiêu chí đầu tiên cần có đủ 2 điều kiện về số dân dưới 10.000 người và có tối thiểu 1 trong 3 chỉ số sau: tuổi thọ trung bình thấp dưới 65 tuổi; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi ≥ 1,3 lần tỷ lệ bình quân chung của 53 DTTS.

Góp ý tiêu chí xác định các dân tộc gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng: Tại tiêu chí 2, cần làm rõ về tỷ lệ trình độ chuyên môn kỹ thuật và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ, tổng số dân trên địa bàn hay trên tổng số người DTTS đang trong độ tuổi lao động trên địa bàn. Tại điểm a, khoản 3, điều 4, đề nghị xác định rõ thời điểm lấy số liệu hộ nghèo để xác định các tiêu chí rà soát năm 2021. Theo đó, ông Giang đề xuất nên lấy số liệu năm 2020 vì tỉnh Tuyên Quang đã rà soát xong hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuyết Minh góp ý tại hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuyết Minh đề xuất thời gian rà soát, đề nghị công nhận các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù thành 5 năm/lần thay vì hàng năm. Bởi vì dân tộc có nhiều khó khăn đặc thù như thu nhập thấp, dân trí thấp, tiếp cận dịch vụ kém. Do đó, các chính sách hỗ trợ cần có thời gian để đồng bào vươn lên trong cuộc sống và nguồn vốn hỗ trợ, trong thời hạn 5 năm, nếu làm hàng năm sẽ không phân bổ được.

Ngoài tiêu chí xác định theo tiêu chuẩn chung cả nước, bà Trần Tuyết Minh đề xuất có thêm tiêu chí cho từng địa phương để làm cơ sở cho địa phương có cơ chế hỗ trợ riêng phù hợp với đặc thù.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, xác định các tiêu chí cần tiếp cận theo vùng, khu vực là phương án ưu tiên, tiếp theo là tiếp cận về y tế, giáo dục và tiếp cận theo dân tộc…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO