Chiều 20/1, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức Hội thảo phối hợp cung cấp thông tin báo chí về diễn biến thiên tai 2021, dự báo thiên tai 2022 và kế hoạch dự báo phục vụ tết Nhâm Dần. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường chủ trì Hội thảo.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia |
Thời tiết Tết Nhâm Dần
Nhận định về xu thế thời tiết Tết Nhâm Dần đang được nhiều người quan tâm, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, vào thời gian trước Tết Nguyên đán, khoảng từ ngày 24-27/1 (22-25 tháng Chạp), cả nước ít mưa, trời nắng ấm; khoảng 28/1 (26 tháng Chạp), miền Bắc chịu ảnh hưởng của 1 đợt gió mùa đông bắc mạnh; khoảng ngày 31/1 (29 Tết) không khí lạnh tiếp tục được bổ sung.
Vào Tết Nguyên đán (30 Tết - 1 Tết), miền Bắc trời nhiều mây có mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ vùng đồng bằng 13-18 độ, vùng núi 8-16 độ; khu vực Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa, khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế trời rét; phía Nam trời lạnh; khu vực Tây Nguyên- Nam Bộ trời nắng.
Tuần từ ngày 2-7/2 (2-7 Tết), không khí lạnh tiếp tục được tăng cường. Miền Bắc duy trì tình trạng mưa rét; miền Trung phía Bắc đèo Hải Vân có mưa rét, phía Nam nắng ráo; miền Nam trời nắng.
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, cuối tháng 1/2022, trên biển có khả năng xuất hiện vùng áp thấp/ATNĐ. Ven biển Nam Bộ xuất hiện đợt triều cường có độ cao trung bình kéo dài từ 29 tháng Chạp tới mùng 3 Tết.
Số lượng bão/ATNĐ năm 2022 tương đương TBNN
Nhận định xu thế thiên tai KTTV 2022, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, dự báo khả năng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina trong khoảng bốn, năm tháng đầu năm 2022, sau đó chuẩn nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực Nino3.4) có khả năng tăng dần và nhiều khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào các tháng giữa đến cuối năm 2022.
Xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông phù hợp với quy luật khí hậu, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với TBNN. Nửa đầu mùa (tháng 6-9), xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tiếp đó, thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9-11) sẽ tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam. Đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp.
Về mưa, ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2022 (1/6/2022) có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn TBNN. Trong 6 tháng cuối năm 2022, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7-9/2022 và từ tháng 9-11/2022 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.
Nhiệt độ trung bình các tháng đầu và giữa năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn TBNN, riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, không kéo dài.
Về xâm nhập mặn, triều cường Nam Bộ, theo ông Hoàng Phúc Lâm, dòng chảy thượng nguồn về ĐBSCL suy giảm và thiếu hụt so với TBNN, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1/2022. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, tháng 3 (từ 13-17/2, từ 26/2-5/3, từ 14-19/3); trên sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 14-19/3, từ 28/3-3/4, từ 12-17/4), sau giảm dần. Ven biển Nam Bộ sẽ có 3 đợt triều cường cao vào các ngày cuối các tháng 10, 11, 12/2022.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV |
2021 - năm thiên tai khá phức tạp
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường, nhấn mạnh, năm 2021, ngoài dịch bệnh Covid-19, thế giới tiếp tục ghi nhận sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan xảy ra, nhiều kỷ lục cũng đã được ghi nhận. Theo đánh giá của Trung tâm khí hậu Tokyo – Nhật Bản, chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2021 ở mức cao hơn 0,220C so với TBNN thời kỳ từ 1991-2020. Với giá trị này, nhiệt độ trung bình toàn cầu được xác định là năm nóng thứ 6 trong chuỗi số liệu quan trắc được. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 năm qua (từ năm 2014-2021) cũng được ghi nhận là chuỗi 8 năm liên tiếp có giá trị chuẩn sai cao nhất trong 131 năm, kể từ năm 1891 trở lại đây.
Tại Việt Nam, mặc dù diễn biến thiên tai năm 2021 không lớn như năm 2020, nhưng được xem là một năm tương đối phức tạp với 18/22 loại hình thiên tai đã xuất hiện. Với 12 cơn bão và ATNĐ, trong đó Bão số 9 có cường độ mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Đây là trị số gió đo được trực tiếp lớn nhất trong khoảng 40 năm qua trên hệ thống quan trắc của Việt Nam. Hơn 40 đợt mưa lũ lớn diện rộng, trong đó đợt lũ từ ngày 28/11-3/12, đỉnh lũ trên các sông tử Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Gia Lai phổ biến ở mức BĐ3 và trên BĐ3, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường cho biết, trong năm 2021, Tổng cục KTTV tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài Bộ, của các cấp chính quyền địa phương.
“Sự đoàn kết, thống nhất giữa các đơn vị trực thuộc Tổng cục từ Trung ương tới địa phương; sự chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ của các đơn truyền thông, báo chí trong việc truyền tải chính xác, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo, các thông điệp về tác động tiềm ẩm của thiên tai tới các cấp chính quyền và người dân cả nước; giúp cho Tổng cục KTTV hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra” ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.