Thỏa thuận khí hậu toàn cầu không nên cản trở tăng trưởng kinh tế của mỗi nước

06/02/2015 00:00

(TN&MT) – Đó là lời phát biểu của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức ở New Delhi (Ấn Độ)...

(TN&MT) – Đó là lời phát biểu của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức ở New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 5/2.
   
  Theo ông, thỏa thuận toàn cầu về việc hạn chế lượng khí thải các-bon phải công nhận quyền phát triển của mỗi quốc gia. “Những nỗ lực để đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc diễn ra ở Paris vào tháng 12 sẽ thất bại nếu các quốc gia cho rằng thoả thuận này gây tổn hại đến triển vọng kinh tế của họ”, ông Laurent Fabius nói.
   
  Ấn Độ, nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới thường đóng vai trò là tiếng nói của các nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán biến đổi khí hậu, và việc giành được sự ủng hộ của Ấn Độ được coi là rất quan trọng nếu các quốc gia đạt được thỏa thuận.
   
  Sau cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5/2, ông Fabius đã hiểu được "sự gượng ép của Ấn Độ" khi nước này đang tìm cách phát triển nền kinh tế của họ.
   
   
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (đứng ở giữa) trả lời phỏng vấn phương tiện truyền thông sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững lần thứ 15 do Viện Năng lượng và Tài nguyên (TERI) tổ chức tại New Delhi vào ngày 5/2 (Ảnh: Reuters)
   
  Ấn Độ từ lâu đã phản đối cam kết mục tiêu phát thải, với lý do nó có thể cản trở nền kinh tế của nước này. Ngoài ra, nguyên nhân khiến Ấn Độ phản đối thoả thuận này là do Ấn Độ cho rằng các quốc gia giàu có phải gánh vác hầu hết những gánh nặng của việc giảm lượng khí thải.
   
  Thay vào đó, Ấn Độ cam kết sẽ mở rộng hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của họ, đồng thời sẽ tăng cường đốt cháy than đá nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng đang ngày càng phát triển.
   
  Ông Fabius cũng cho rằng, nếu các nước trên thế giới muốn cắt giảm khí thải thành công thì các khu vực cộng đồng và tư nhân phải cam kết đầu tư nhiều hơn cho quỹ khí hậu xanh, một sáng kiến của Liên Hợp Quốc nhằm giúp các nước nghèo ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu. "Vốn ban đầu của Quỹ khí hậu xanh đã lên đến hơn 10 tỷ USD ... Tuy nhiên, xa hơn nữa, chúng ta cần tăng nguồn tài chính từ cả nguồn cộng đồng và tư nhân để đạt được 100 tỷ USD/năm, bắt đầu từ năm 2020" - ông Fabius khẳng định.
   
  Các nước trên thế giới dự kiến sẽ trình kế hoạch quốc gia về kiểm soát phát thải khí nhà kính vào hạn chót chưa chính thức, ngày 31/3 nhằm xác lập cơ sở thoả thuận toàn cầu tại hội nghị Paris tháng 12 năm nay.
   
Mai Đan
  Theo Reuters
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận khí hậu toàn cầu không nên cản trở tăng trưởng kinh tế của mỗi nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO