Theo phản ánh của người dân hai xã Xuân Tín, Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, nhiều năm qua đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động của cơ sở chế biến, thu mua và vận chuyển mủ cao su Thanh Bình, thôn 8, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân gây ra. Do chế biến theo phương pháp thủ công, không có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải, nước thải… toàn bộ lượng nước thải trong quá trình sơ chế mủ cao su, chảy lộ thiên qua vườn rồi đổ thẳng xuống sông Cầu Chày, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề.
Chúng tôi tìm tới xưởng chế biến mủ cao su, tại thôn 8, xã Quảng Phú. Đây là cơ sở thuộc Doanh nghiệp tư nhân Thanh Bình, do ông Trương Sỹ Bình làm chủ, hoạt động đã nhiều năm qua. Cơ sở chế biến xây dựng tạm bợ, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo phản ánh của người dân, cơ sở chế biến mủ cao su của ông Trương Sỹ Bình ban ngày khóa cổng, thường hoạt động "chộp giật" về đêm |
Đáng lo ngại hơn, do nằm ở vị trí giáp ranh hai xã Xuân Tín và Quảng Phú nên nỗi khổ vì ô nhiễm từ cơ sở này người dân hai xã đang phải gánh hậu quả. Ông Nguyễn Văn. D (Người dân xin được giấu tên) ngụ xóm 17, xã Xuân Tín bức xúc: Nhiều năm nay, dân chúng tôi phải khổ sở vì xưởng cao su này, đã có không ít người ốm đau, bệnh tật do ô nhiễm môi trường từ khói bụi, nước thải, mùi hôi thối nồng nặc, khét mù mỗi khi cơ sở hoạt động… Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh, đề nghị cấp trên xử lý. Nhưng không hiểu vì sao, cơ sở chỉ tạm đình chỉ một thời gian ngắn, lại lén lút hoạt động. Để che mắt người dân và chính quyền địa phương, cơ sở thường hoạt động vào đêm.
Được biết, hàng chục năm qua, nhiều hộ dân đã bị “hành” do ô nhiễm môi trường từ cơ sở chế biến mủ trái phép. Bởi hệ thống nhà xưởng tạm bợ, việc chế biến mủ không đảm bảo quy trình nên người dân đã chịu hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng từ mùi, nước thải ra môi trường. Xưởng sản xuất trước đây hoạt động ngang nhiên, nay chuyển sang lén lút hoạt động về đêm. Người dân đã nhiều lần phản ánh chính quyền địa phương, trong những lần tiếp xúc cử tri… nhưng cơ sở trái phép này vẫn chưa bị tháo dỡ, di dời và dừng hẳn hoạt động
|
||||
Nước thải trong quá trình chế biến mủ cao su được xả thẳng ra sông Cầu Chày trắng đục như sương |
Ông Bùi Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, khẳng định: “Chính quyền địa phương sẽ không bao che, dung túng cho các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của khu dân cư”. Mặc dù mới về nhận chức tháng 8/2020 ông đã nghe phản ánh về cơ sở chế biến mủ cao su của ông Trương Sỹ Bình. Trước đây, cơ sở này đã nhiều lần bị kiểm tra của Phòng tài nguyên & môi trường, huyện Thọ Xuân có văn bản chỉ đạo yêu cầu dừng sản xuất.
Ông Ngọc cho biết thêm: Tới đây, xã sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm nếu cơ sở chế biến mủ cao su không chấp hành yêu cầu của UBND huyện Thọ Xuân.
Để nắm rõ hơn về cơ sở chế biến mủ cao su, ông Ngọc điện thoại trao đổi với cán bộ địa chính xã Lê Văn Phúc. Ông Phúc, trả lời: Cơ sở chế biến mủ cao su của ông Trương Sỹ Bình, thôn 8 được xây dựng trên đất trồng mía, hiện nay vẫn thường xuyên hoạt động “chộp giật”.
Ông Lê Ngọc Quân, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thọ Xuân, cho biết: Sau khi có thông tin của phóng viên, ông đã trao đổi với cán bộ chuyên môn của Phòng. Theo báo cáo thì năm 2015, Sở Tài nguyên &Môi trường tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân, xã Quảng Phú đã tiến hành kiểm tra, xác định mức độ vi phạm của cơ sở chế biến, thu mua và vận chuyển mủ cao su của ông Trương Sỹ Bình. Đoàn công tác đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính đối với các hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, yêu cầu cơ sở này dừng hoạt động để thực hiện việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thọ Xuân cần vào cuộc xử lý dứt điểm cơ sở chế biến mủ cao su trái phép trên để người dân yên tâm sinh sống, tránh các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về sau.