Thọ Xuân - Thanh Hóa: Ai bảo kê cho các bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép lộng hành?

25/09/2014 00:00

(TN&MT) - Trong nhiều năm qua, tình trạng khai thác, buôn bán trái phép cát, sỏi trên sông Chu (Thọ Xuân- Thanh Hóa) diễn ra bát nháo, khó kiểm soát.

   
(TN&MT) - Trong nhiều năm qua, tình trạng khai thác, buôn bán trái phép cát, sỏi trên sông Chu (Thọ Xuân- Thanh Hóa) diễn ra bát nháo, khó kiểm soát. Tình trạng đó không những làm thất thoát tài nguyên mà các tuyến đê Trung ương dọc theo các sông đang ngày đêm phải oằn mình trước những chiếc xe trọng tải lớn cày xới, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ sạt lở bờ sông đã trở thành “điểm nóng” gây bức xúc trong nhân dân.
   
   
  Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Thọ Xuân cho thấy các bãi tập kết cát trái phép hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, mặc dù các bãi tập kết cát chưa được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cấp phép. Nhưng chủ các bãi vẫn trực tiếp hút cát từ lòng sông hoặc tàu lên bãi tập kết với một khối lượng lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sinh hoạt và sản xuất cũng như đe dọa đến hành lang đê điều sạt lở.
   
  Đặc biệt, các bãi tập kết cát ở xã Thọ Trường, Thọ Lập, Thọ Minh, Hạnh Phúc, Xuân Lai, Xuân Hòa có thể dễ dàng chứng kiến cảnh nhộn nhịp tàu thuyền và tiếng máy nổ “phành phạch” của máy bơm, máy hút cát với những chiếc vòi khổng lồ ngang nhiên hút cát trực tiếp từ dòng sông và tàu lên bãi tập kết trái phép. Tại các bãi tập kết là những chiếc xe chuyên chở cát tấp nập nối đuôi nhau xuống bãi để lấy cát, trời mưa thì đường sá lầy lội, trời nắng thì bụi mịt mù đã làm đê sông Chu phải oằn mình như muốn vỡ tung ra từng mảnh vì quá tải của xe chở cát.
   
   
  Bà Nguyễn Thị Liên, một hộ dân sống gần khu vực bãi tập kết cát của ông Trịnh Mậu Trọng, thôn 4, xã Thọ Trường bức xúc cho biết: “Nhiều năm trở lại đây,  người dân chúng tôi phải sống khổ sở vì tình trạng bơm và hút cát với đủ loại tiếng máy nổ cả ngày lẫn đêm. Hàng ngày tại tuyến đê và các cung đường giao thông liên thôn, liên xã có  hàng trăm chiếc xe với trọng tải lớn cày xới, đường sá xuống cấp nặng, nhà dân quanh khu vực này hầu như cả ngày phải đóng cửa kín mít tránh bụi. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng và đã có nhiều đoàn về kiểm tra nhưng vẫn không xử lý triệt để được”.
   
  Theo ghi nhận của chúng tôi, đi dọc theo tuyến đê sông Chu chảy dài qua huyện Thọ Xuân gần 30 km là nơi sinh sống của nhiều hộ dân làng chài, đồng thời có trữ lượng cát xây dựng khá lớn, song nguồn tài nguyên ấy đang bị khai thác trái phép, khó kiểm soát đã làm thất thoát tài nguyên khoáng sản Quốc gia. Tại thôn 4 xã Thọ Trường bãi tập kết cát của ông Trịnh Mậu Trọng có diện tích gần 1.000m2, với khối lượng cát khoảng 500m3. Bãi tập kết cát tại xã Xuân Hòa có diện tích trên 500m2 với khối lượng cát là 300m3. Bãi cát xã Thọ Minh diện tích 600m2, khối lượng cát 400m3. Bãi cát xã Xuân Lai diện tích 1.200m2, khối lượng cát 300m3. Bãi cát xã Hạnh Phúc diện tích 500m2, có khối lượng cát 300m3.
   
  Tại khu vực xứ đồng bãi Sánh thôn 2 Yên Trường, xã Thọ Lập bãi tập kết cát khổng lồ nhà ông Ngô Hữu Chính, có diện tích 2.000m2 với khoảng hơn 1.000m3 cát. Tại các bãi tập kết chúng tôi tận mắt chứng kiến những chiếc “vòi rồng” đang phun cát từ tàu lên bãi, trên bãi là những chiếc máy cẩu hạng lớn đang vận hành hết công suất múc cát lên xe, tại các tuyến đường thì xe chở cát tấp nập chạy đến bãi lấy cát bụi mù mịt.
   
   
  Chị Lê Thị H, ở thôn 2 Yên Trường, xã Thọ Lập bức xúc: “hàng ngày gần một trăm chiếc xe chở cát cày xới mặt đê và các tuyến đường trong thôn đã và đang xuống cấp nặng nề, nhiều chỗ tường nhà dân đã bị rạn nứt. Không những thế hàng ngày người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ bụi cát và tiếng ồn khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ chẳng yên, người già trẻ em thường mắc bệnh về suy nhược thần kinh và hô hấp”.
   
  Ông Ngô Hữu Chính, chủ bãi tập kết cát xã Thọ Lập cho biết: Hộ gia đình ông thuê của UBND xã 2.000m2 với mục đích giao khoán trồng cây hoa màu hàng năm, thời hạn 2 năm 6 tháng với tổng giá trị 75 triệu đồng và ông đã sử dụng đất thuê của xã làm bãi tập kết cát trái phép, khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc cát thì ông nói “chúng tôi làm cho công ty Lâm Tuấn và khai thác tại mỏ cát số 28”.
   
  Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường,  ông Nguyễn Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã Thọ Lập khẳng định, bãi tập kết cát trên địa bàn xã đã gây ảnh hưởng đến môi trường trong nhân dân là đúng, UBND xã cho hộ gia đình nhà ông Chính thuê 2.000m2 đất trồng cây hoa màu hàng năm và ông Chính chuyển sang làm bãi tập kết cát thì xã chưa xác định được đất đó có phải thuộc địa bàn xã Thọ Lập hay không(?) phần đất cho hộ ông Chính thuê là đất bãi bồi ven sông giáp với xã Xuân Hòa. Công ty Lâm Tuấn được quyền khai thác mỏ cát số 28, huyện nói cho làm thì xã cho làm, còn bãi tập kết cát là trái phép thì UBND xã không biết(?).
   
   
  Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Năng Dũng, Phó phòng TN&MT huyện Thọ Xuân cho biết: Chúng tôi thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra các bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn và kịp thời phát hiện, xử lý các đơn vị vi phạm, tịch thu phương tiện máy móc, đình chỉ tập kết và đã xử lý triệt để. Tuy nhiên, các chủ bãi lại tiến hành hoạt động trở lại thì chúng tôi chưa nhận được báo cáo của UBND các xã, nếu có tình trạng trên thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép.
   
   Trước thực trạng các bãi tập kết cát tràn lan ở các địa phương, rất mong UBND tỉnh, các ban ngành và các cơ quan chức năng Thanh Hóa cần nhanh chóng vào cuộc, tiến hành xử lý một cách triệt để, chấn chỉnh lại những bãi tập kết trái với quy định, tạo điều thuận lợi trong việc quản lý các điểm mỏ để hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép, bảo vệ và  khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên.
   
Bài & ảnh: Tuyết Trang- Thu Thủy
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thọ Xuân - Thanh Hóa: Ai bảo kê cho các bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép lộng hành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO