Thờ ơ văn hóa an toàn

22/11/2017 00:00

(TN&MT) - Nếu thiếu văn hóa an toàn, bất cứ hệ sản xuất nào, dù công nghệ tiên tiến đến đâu, cũng có thể là “quả bom nổ chậm” đe dọa môi trường sống.

Không kể hết những vấn đề mất an toàn môi trường liên quan đến sản xuất. Từ chuyện các thầy cô giáo ở gần mỏ chì kẽm trong tỉnh Bắc Kạn bị nhiễm chì, đến các vụ ô nhiễm nguồn nước nhiều nơi gây chết thủy sản hàng loạt ở khắp ba miền Bắc Trung Nam; vấn đề sức khỏe người dân do ô nhiễm tại các điểm đào đãi vàng trái phép ở Quảng Nam; cát bay và phát tán phóng xạ do khai thác sa khoáng ti tan ven biển; nứt đập thủy điện Sông Tranh 2;…

Công nghiệp hóa đã khó, nhưng tạo ra một nền văn hóa an toàn còn khó gấp bội
Công nghiệp hóa đã khó, nhưng tạo ra một nền văn hóa an toàn còn khó gấp bội

Cũng không cần và không thể kể hết ở đây các sự cố môi trường liên quan đến các hệ sản xuất đã diễn ra ở Việt Nam. Vấn đề cần nhận rõ là không ít hệ sản xuất ở Việt Nam thiếu một thứ văn hóa cơ bản đó là “văn hóa an toàn”. Không ít hệ sản xuất chỉ nhăm nhăm vào việc giảm chi phí để tăng lợi nhuận mà không cần để tâm đến an toàn môi trường sống. Hoạt động sản xuất kinh doanh lãi được 10 đồng nhưng không quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường phải tiêu tốn gấp 10 lần hiệu quả kinh tế thu được. Khi sự cố xảy ra, phản ứng đầu tiên của nhà sản xuất là tuyên bố trấn an dư luận bằng những lý luận kém thuyết phục. 

Có một thời, nước ta đã từng xảy ra những vụ phản ứng tập thể của nhân dân chống lại hoạt động của bãi rác Nam Sơn (Hà Nội), Đông Thạnh (TP. Hồ Chí Minh), các bãi rác ở thành phố Hải Dương, thành phố Nam Định, phản ứng của nhân dân Cam Ranh đối với xả thải của nhà máy đường Cam Ranh (Khánh Hòa), vụ nhân dân đập phá doanh nghiệp Vạn Phát ở khu công nghiệp Phú Tài - Bình Định là một số trong những vụ việc điển hình… Phản ứng quyết liệt của công chúng sẽ trở nên phức tạp hơn và mang màu sắc phá hoại nếu bị kích động như một số người dân Thái Thụy - Thái Bình đập phá dàn khoan khí của một công ty , do hoạt động khoan đã làm lan tỏa nước axít ép vỉa gây ô nhiễm môi trường.

Công nghiệp hóa đã khó, nhưng tạo ra một nền văn hóa an toàn đáp ứng công nghiệp hóa bền vững còn khó gấp bội. Nhưng nếu thiếu văn hóa an toàn, bất cứ hệ sản xuất nào, dù công nghệ cao đến đâu, cũng có thể là một “quả bom nổ chậm”.

Hệ lụy của suy thoái môi trường và tài nguyên là một lý do của nghèo đói. Hiện chưa có thống kê tách bạch là trong số người nghèo Việt Nam có bao nhiêu % là do môi trường suy thoái. Tuy vậy, những vấn đề về nghèo do khô hạn và lũ lụt miền Trung, do khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân mất đất, ngư trường xuống cấp… là điều không cần bàn cãi.

Hệ lụy của suy thoái môi trường và tài nguyên là một lý do của nghèo đói
Hệ lụy của suy thoái môi trường và tài nguyên là một lý do của nghèo đói

Việc thiếu các nguồn sinh kế thay thế, việc khó kiếm sống trên mặt nước ngập, cùng với những món nợ ngày càng tăng có thể góp phần đưa đến các quyết định di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những người sống phụ thuộc trực tiếp vào nông nghiệp đặc biệt dễ bị tổn thương khi những trận lụt, nhiễm mặn và hạn hán liên tiếp phá hoại mùa màng..

Đã ít nước, chúng ta lại dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa, khiến mối đe dọa an ninh nguồn nước là nỗi lo hàng đầu. Ô nhiễm xuyên biên giới chưa thể kiểm soát là nhận định chung của các nhà quản lý về môi trường. Việc nhập khẩu rác thải công nghiệp về các cảng diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để răn đe, phòng ngừa và xử lý.

Hậu quả nặng nề và khuyết điểm trầm trọng đã rõ. Vấn đề cần phải phán xét cho rõ cội nguồn và đặt các sự kiện trong bối cảnh chung để tìm ra cách xử lý vừa mang tính tổng thể, vừa cụ thể. Chưa lúc nào, vấn đề môi trường được đưa lên bàn nghị sự và diễn đàn công luận nhiều như thời gian này.

Phương Anh 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thờ ơ văn hóa an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO