Thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ quản trị tài nguyên nước - Đảm bảo tương lai cho ngành nông nghiệp

Thu Trang| 06/12/2022 10:50

(TN&MT) - Quy hoạch thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch thủy lợi hiện nay đối mặt với nhiều thách thức lớn như vấn đề BĐKH toàn cầu, vấn đề tác động ở thượng lưu xuyên biên giới, ô nhiễm nguồn nước, yêu cầu thủy lợi phục vụ đa mục tiêu nên yêu cầu cần phải có sự thay đổi.

Nhận diện những bất ổn

Theo thống kê, lượng nước sản sinh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam chiếm tới 63% tổng lượng nước quốc gia, trong đó, tập trung tại hai lưu vực sông chính, trọng điểm kinh tế - chính trị của cả nước là sông Cửu Long (90%) và sông Hồng (40%), nằm ngoài khả năng kiểm soát của ta. Nếu chỉ xét lượng nước sản sinh bên trong lãnh thổ, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ cao mất an ninh nguồn nước (đứng thứ 26 trong 49 quốc gia thành viên ADB; thứ 9 trong 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á). Hiện nay, các quốc gia thượng nguồn gia tăng việc tích trữ, khai thác, sử dụng cho nội tại và có kế hoạch chuyển nước ra ngoài lưu vực, dự báo gây ra tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược về số lượng và chất lượng nguồn nước chảy về Việt Nam.

Thế giới đã khẳng định, nước là tài nguyên quan trọng thứ hai sau tài nguyên con người. Trong 77 năm qua, công tác thủy lợi đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trải qua 77 năm, mạng lưới thủy lợi nước ta ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa, đóng góp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và đất nước nói chung.

Ông Lương Văn Anh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, công tác thủy lợi tuy không chịu tác động lớn của khí hậu thời tiết như những năm trước, tuy nhiên tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, tình trạng hạ thấp mực nước ở hạ du hệ thống sông Hồng - Thái Bình ảnh hưởng rất lớn đến điều tiết xả nước phục vụ sản xuất, dân sinh; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn cũng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Theo đó, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do tác động của BĐKH, nước biển dâng, thay đổi chế độ dòng chảy, sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, thoái hóa rừng làm giảm khả năng giữ nước, điều hòa nguồn nước.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng nhanh, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước. Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do đập, hồ chứa nước xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của BĐKH, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa.

Tập trung nâng cao công tác thủy lợi

Theo GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Nhận thức tầm quan trọng của bảo đảm an ninh nguồn nước đến phát triển bền vững đất nước, thực hiện Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổ chức tổng kết, đánh giá thực trạng việc thực thi các quy định pháp luật về an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

8-9-2-.jpg

Công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang.

Căn cứ báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các cơ quan liên quan, ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu.

Với triết lý của ngành thủy lợi là phải đi trước các ngành kinh tế khác và khi đó phải bằng mọi cách, mọi giải pháp phục vụ cao nhất nhu cầu về nước. Phục vụ mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi quốc gia, trong đó, tập trung đề xuất các giải pháp cân đối lớn về nguồn nước trên phạm vi toàn quốc, liên kết, kết nối, chuyển nước, xây dựng các công trình lớn trên dòng chính sông phục vụ đa mục tiêu, xác định cập nhật mức bảo đảm cấp nước, tưới, tiêu, thoát nước, phòng chống lũ phù hợp tình hình mới.

9-2-.jpg

Ông Hồ Cao Khải - Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai:

An ninh nguồn nước là then chốt phát triển kinh tế - xã hội

Lào Cai là tỉnh có 2 con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Chảy. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng có hệ thống các suối dày đặc. 

Nguồn nước quốc tế là sông Hồng, sông Chảy có vai trò rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai và các tỉnh hạ du sông Hồng. Nó còn có đặc thù là nguồn nước quốc tế, do đó, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ TN&MT kiến nghị thành lập “Ủy ban sông Hồng” để tăng cường trao đổi thông tin về nguồn nước và phối hợp khai thác nguồn nước sông Hồng hợp lý đảm bảo lợi ích của hai quốc gia.

Đây cũng là cơ quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên lưu vực sông Hồng. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên lưu vực sông Hồng.

9-1-.jpg

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa:

Tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thuận lợi về tài nguyên nước ngọt với tổng lượng dòng chảy hàng năm là 22,46 tỷ m3. Có 4 lưu vực sông chính gồm sông Mã, sông Chu, sông Hoạt, sông Yên, sông Bạng với tổng chiều dài 881km, tổng diện tích lưu vực là 31.101km2.

Tuy nhiên, tài nguyên nước hiện nay chịu nhiều tác động từ phát triển thượng nguồn, BĐKH, nước biển dâng, sự gia tăng về tần suất và mức độ của các hình thái thời tiết cực đoan như mưa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn,... cùng những hạn chế về chủ quan như đầu tư hạ tầng cấp nước, khai thác rừng, dòng sông...

Bên cạnh đó, tổng lượng dòng chảy hàng năm sinh ra khoảng hơn 20 - 21 tỷ m3 nhưng nguồn nước phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian dẫn đến tình trạng căng thẳng gia tăng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung - cầu. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã sửa chữa, nâng cấp được 268 công trình đầu mối (gồm 83 hồ chứa nước, 122 đập dâng, 63 trạm bơm tưới, tiêu các loại) và kiên cố được 1.563km kênh mương, nâng tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 8.364km/15.556km, đạt 53%.

Để chủ động nguồn nước, nhất là nước mặt trong bối cảnh BĐKH ngày càng có tính chất cực đoan, khó lường, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt đạt được mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, tài nguyên nước đóng vai trò quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

9-3-.jpg

Ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai:

Huy động mọi nguồn lực đảm bảo an ninh nguồn nước

Gia Lai là vùng đất đầu nguồn của nhiều hệ thống sông lớn: sông Ba, sông Sê San và Sê Rê Pôk, chảy xuống vùng duyên hải miền Trung và lưu vực sông Mê Kông, với tổng trữ lượng nước mặt khoảng 23 tỷ m3. Với tiềm năng lớn về nông - lâm nghiệp - thủy sản, tỉnh Gia Lai xác định đây là nền tảng ổn định lâu dài để phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xác định an ninh nguồn nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai; góp phần nâng cao đời sống người dân, cải thiện môi trường, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh quốc gia, thích ứng với BĐKH và phòng, chống thiên tai, tỉnh Gia Lai đã huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề về an ninh nguồn nước. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời, tăng cường xã hội hóa, sự tham gia của toàn xã hội và người dân; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ngành nước đa mục tiêu, kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ quản trị tài nguyên nước - Đảm bảo tương lai cho ngành nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO