Thiết lập bức tranh tổng thể về tài nguyên nước quốc gia: Số liệu điều tra còn phân tán

Thiên Trường| 28/10/2021 10:59

(TN&MT) - Mặc dù nước ta đã có nhiều hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá về tài nguyên nước, tuy nhiên, các thông tin, số liệu để phục vụ công tác kiểm kê nói riêng và phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước nói chung còn nhiều hạn chế.

Khó kiểm kê tài nguyên nước

Thực tế, nhiều năm nay, từ Trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án về điều tra, đánh giá tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Tuy vậy, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước còn hạn chế, thiếu đồng bộ.

Cụ thể, nguồn nước mặt mới thực hiện điều tra, đánh giá ở mức tổng quan; nguồn nước dưới đất mới điều tra, đánh giá tổng hợp, lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất, bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:200.000 phủ kín toàn quốc; điều tra, đánh giá chi tiết nước dưới đất, tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 6%, tỷ lệ 1:50.000 thực hiện khoảng 5%; điều tra, đánh giá, tỷ lệ 1:25.000 gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt thực hiện được 5% cho một số vùng đô thị lớn, đảo, vùng núi cao, khan hiếm thiếu nước; công tác điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước thực hiện khoảng 6%; điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 8%; điều tra, lập danh mục hồ chứa từ năm 2008 đến nay chưa được cập nhật.

Quan trắc đo đạc nguồn nước.

 Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh, đồng nghĩa với việc gia tăng nhanh chóng số lượng các công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Vì vậy, xét về cả phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện có thể thấy rằng, các thông tin, số liệu khá phân tán, thiếu đồng bộ, không được cập nhật, quy mô tổng hợp không thống nhất trên phạm vi cả nước. Dẫn đến việc thiếu nhiều thông tin, dữ liệu đầy đủ, tin cậy, không đáp ứng được yêu cầu trong công tác tính toán, kiểm kê tài nguyên nước.

 Mạng lưới quan trắc, đo đạc còn thiếu và yếu

Kiểm kê tài nguyên nước, trong đó, có kiểm kê về số lượng nguồn nước mặt, nước dưới đất là ghi nhận thông tin đặc trưng của tài nguyên nước về số lượng, chất lượng thông qua đo đạc, kiểm đếm bằng các công trình quan trắc, đo đạc, đánh giá tài nguyên nước. Tuy nhiên, số lượng và mật độ các công trình đo đạc, quan trắc còn thưa so với mạng lưới sông, suối và sự phân bố của các tầng chứa nước trên phạm vi cả nước.

Việt Nam có 3.450 sông, suối, chiều dài từ 10km trở lên nằm trong 108 lưu vực với 331.000km2 lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta (chiếm 28,3% tổng diện tích của 108 lưu vực). Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830 - 840 tỷ m3.

Đối với nước dưới đất, mạng lưới trạm quan trắc mới chỉ có khoảng 412 điểm với 805 giếng quan trắc nước dưới đất; mạng lưới quan trắc nước mặt mới chỉ có khoảng 354 trạm thủy văn, đang đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 23 trạm tài nguyên nước mặt độc lập, 23 trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt ở 11 lưu vực sông liên tỉnh và còn hàng trăm lưu vực sông liên tỉnh khác chưa được đo đạc, quan trắc.

Bên cạnh đó, vùng đồng bằng ở nước ta chiếm khoảng 25% diện tích và mật độ hệ thống sông vùng đồng bằng khá dày đặc, đặc biệt là hệ thống kênh, rạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nguồn nước có vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các sông vùng đồng bằng này chịu ảnh hưởng triều, xâm nhập mặn và chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chế độ dòng chảy của các sông vùng đồng bằng này rất phức tạp và số liệu dòng chảy của các vùng đồng bằng này được tính toán từ năm 1994, đến nay vẫn chưa được tính toán, cập nhật.

Cả nước có hơn 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ m3. Nguồn nước ngầm có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam khoảng 1.940 - 1.960mm (tương đương 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới.

Ngoài ra, không thể xác định được trực tiếp tổng lượng dòng chảy vùng đồng bằng thông qua số liệu quan trắc, đo đạc tại các trạm thủy văn, mà phải dựa vào tính toán, ngoại suy. Vì vậy, với hiện trạng mạng lưới công trình quan trắc, đo đạc và đặc điểm tài nguyên nước nước ta như trên, ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai công tác kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước.

Kết nối để quản lý hiệu quả

Để đạt được kết quả như kỳ vọng của Đề án tổng thể kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến 2025, rất cần các Bộ, ngành, địa phương chung tay thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả, đồng bộ và tránh lãng phí nguồn lực; thu thập, kế thừa các thông tin, số liệu liên quan đến chỉ tiêu kiểm kê, điều tra cơ bản từ các giai đoạn trước và trong kỳ kiểm kê.

Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận một số ý kiến của lãnh đạo địa phương về kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước lần này.

Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở TN&MT Sóc Trăng: Chuẩn bị tốt nhất công tác triển khai thực hiện Đề án

Hiện, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đang chờ các Bộ, ngành Trung ương ban hành kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước theo quy định. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành kế hoạch để thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở TN&MT Sóc Trăng.

Hiện tại, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai Dự án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; Dự án điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông chính trên địa bàn tỉnh; tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; triển khai Dự án tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị ở Việt Nam và Dự án điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khai hiếm nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; góp phần phục vụ tốt cho công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, Sở TN&MT còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn, triển khai các mô hình sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử phạt các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã cấp tổng cộng 682 Giấy phép tài nguyên nước. Trong đó, có 28 Giấy phép thăm dò nước dưới đất, 402 Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, 119 Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, 14 Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và 119 Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

 Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi: Đảm bảo an ninh tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện giám sát, quản lý tài nguyên nước chặt chẽ và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước.

Hàng năm, Sở đều thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị ở Việt Nam (IGPVN)” với 4 đợt/năm; Quan trắc chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh với 3 đợt/năm; Quan trắc nước dưới đất trên địa bàn huyện Lý Sơn từ kết quả của nhiệm vụ “Khoan giếng phục vụ quan trắc, kiểm soát trữ lượng, chất lượng nước dưới đất trên địa bàn huyện Lý Sơn với 4 đợt/năm.

Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi

Hiện nay, Sở TN&MT tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên nước như đầu tư hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tiến hành điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, xây dựng công cụ tính toán, hỗ trợ tham mưu chỉ đạo vận hành các hồ chứa thuộc Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc.

Thời gian tới, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ kiểm kê tài nguyên nước Quảng Ngãi, giai đoạn đến năm 2025 và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2024 để tổng hợp làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước và lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, hướng tới việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Phùng Kim Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La: Tập trung thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước nội tỉnh

Sơn La là địa phương có tiềm năng về tài nguyên nước với 35 suối lớn, 2 sông lớn là sông Đà dài 280km với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90km với 17 phụ lưu. Theo kết quả Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh, tài nguyên nước mặt toàn tỉnh hàng năm vào khoảng 19 tỷ m3, trữ lượng nước dưới đất khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay, Sơn La chưa triển khai thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên phạm vi toàn tỉnh. Thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước và Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 phê duyệt Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh.

Ông Phùng Kim Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La

Một số nội dung chủ yếu của kế hoạch sẽ được triển khai gồm: Xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước của địa phương; giám sát hoạt động xả nước thải vào nguồn nước; Hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống giám sát tự động, trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; Thực hiện điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000; tỷ lệ 1:50.000 với nguồn nước nội tỉnh ở những vùng, khu vực có tiềm năng lớn để cấp nước cho sinh hoạt, các khu vực khan hiếm nước; Đánh giá diễn biến tài nguyên nước, tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước dưới đất, phân loại nguồn nước theo mức độ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt…

Trước mắt, trong giai đoạn 2022 - 2023, Sở TN&MT sẽ chủ trì lập, ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh; Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 - 1:25.000 với các nguồn nước nội tỉnh. Giai đoạn 2023 - 2025, sẽ thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt, nước dưới đất…

Nhóm phóng viên (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập bức tranh tổng thể về tài nguyên nước quốc gia: Số liệu điều tra còn phân tán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO