Thế giới

Thiên tai dồn dập càn quét khắp thế giới

Mai Đan 14/08/2024 - 19:24

(TN&MT) - Chỉ trong vài ngày qua, các loại hình thiên tai từ nắng nóng đến mưa, lũ, động đất đã hoành hành nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề.

Mùa Đông ở Nam Cực trải qua nắng nóng kéo dài bất thường

Viện nghiên cứu cực quốc gia của Anh vừa cho biết, Nam Cực, lục địa lạnh nhất thế giới, đang phải trải qua một đợt nắng nóng kéo dài bất thường trong mùa Đông.

Nhà khoa học về khí hậu vùng cực Thomas Caton Harrison cho biết, nhiệt độ cao không phải là điều mới lạ ở lục địa này, tuy nhiên thời tiết ấm áp kéo dài lại là điều bất thường.

Cụ thể, theo số liệu của Viện nghiên cứu cực quốc gia của Anh, trong tháng 7 vừa qua, nhiệt độ gần bề mặt trung bình trên toàn Nam Cực cao hơn 3,1 độ C so với mức bình thường trong tháng. Với số liệu này, đây là tháng 7 ấm thứ hai ở Nam Cực kể từ năm 1979, xếp sau tháng ấm nhất được ghi nhận là tháng 7/1981.

Theo số liệu của Đại học Maine thuộc bang Maine (Mỹ), nhiệt độ trung bình hàng ngày ở Nam Cực đã dao động từ -34,68 độ C vào ngày 15/7 đến -28,12 độ C vào ngày 31/7. Ngày 7/8 ghi nhận nhiệt độ trung bình trên lục địa là -26,6 độ C. Thậm chí, nhiệt độ trung bình bất thường trong tháng 7 đạt mức 9-10 độ C tại một số vùng của Dronning Maud Land và một phần của Biển Weddell ngoài khơi phía Đông khu vực.

d0fbed40da7fd45c324efe8c43a2bf83e117dda7.jpg
Nhiệt độ trung bình bất thường trong tháng 7 đạt mức 9-10 độ C tại một số vùng của Dronning Maud Land và một phần của Biển Weddell ngoài khơi phía Đông khu vực

Nam Cực là lục địa lạnh nhất, nhiều gió nhất và có ít người dân nhất trên hành tinh, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu. Đây cũng là lục địa phải đối mặt với nguy cơ nhiệt độ cao bất thường, gây ra tình trạng tan băng rộng hơn.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience vào tháng 6/2024, các nhà khoa học đã phát hiện ra một điểm tới hạn mới, hướng tới "sự tan chảy không kiểm soát" của các tảng băng Nam Cực, do nước biển ấm xâm nhập giữa băng và vùng đất phía trên.

Với sự gia tăng nhiệt độ đại dương - hệ quả của hiện tượng Trái Đất ấm lên do con người gây ra, các tảng băng Nam Cực đang tan chảy, dẫn tới nguy cơ mực nước biển toàn cầu dâng cao và gây nguy hiểm cho các cộng đồng ven biển.

Năm 2023, hơn 47.000 người tử vong vì nắng nóng ở châu Âu

Cũng liên quan đến nắng nóng, Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) vừa công bố báo cáo cho thấy, hơn 47.000 người đã tử vong ở châu Âu do nhiệt độ cao vào năm 2023, trong đó các quốc gia Nam Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu Tây Ban Nha đã đưa ra báo cáo thông qua dữ liệu hồ sơ tử vong và nhiệt độ từ 35 quốc gia châu Âu. Họ ước tính, 47.690 người ở châu Âu đã tử vong vì nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ cao. Trong đó, Hy Lạp, Bulgaria, Ý và Tây Ban Nha là những quốc gia có tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ cao nhất.

Theo báo cáo, số người tử vong năm 2023 sẽ cao hơn 80% nếu không có các biện pháp được đưa ra trong 20 năm qua để giúp mọi người thích nghi với nhiệt độ tăng cao, như hệ thống cảnh báo sớm và cải thiện chăm sóc sức khỏe.

Nhà nghiên cứu Elisa Gallo tại ISGlobal, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Kết quả cho thấy xã hội đã có những quá trình thích nghi với nhiệt độ cao trong thế kỷ hiện tại, giúp giảm đáng kể tình trạng dễ bị tổn thương do nhiệt và những ca tử vong trong những mùa hè gần đây, đặc biệt là ở người cao tuổi".

5gtgfslhwbnwpoe2ko4coboweu-1-960x600.jpg
Người đi xe đạp giải nhiệt tại đài phun nước ở công viên Madrid Rio trong ngày nắng nóng tại Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Năm ngoái là năm nóng nhất thế giới được ghi nhận. Khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm tăng nhiệt độ, người dân châu Âu đang sống tại lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới, phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe ngày càng tăng do nhiệt độ tăng cao.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang gây ra những đợt nắng nóng nguy hiểm trên khắp Bắc Bán cầu và sẽ tiếp tục gây ra thời tiết nguy hiểm trong nhiều thập kỷ tới.

Hàng trăm người thiệt mạng ở Ấn Độ và Nepal do mưa lũ bất thường

Theo số liệu chính thức của mỗi quốc gia, trong số các ca thiệt mạng do lũ lụt và sạt lở đất từ tháng 6 đến nay có gần 300 người ở Ấn Độ, 171 người ở Nepal.

Chỉ vài tháng sau khi Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay, các trận mưa bão dữ dội ở quốc gia này đã gây ra lũ lụt và lở đất trên diện rộng. Trong tuần này, Cơ quan Thời tiết Ấn Độ đã cảnh báo mưa lớn ở hầu hết các bang miền Nam và Đông Bắc nước này.

Tại bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, mưa lớn gây lũ lụt kể từ tuần trước đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, trong khi tại bang Rajasthan, ít nhất 22 người thiệt mạng kể từ ngày 11/8 do lũ lụt. Lũ lụt tại bang Uttarakhand cũng cướp đi sinh mạng của 51 người kể từ tháng 6. Tháng trước tại bang Kerala, hơn 200 người đã thiệt mạng do lở đất.

16southasia-floods-jklv-jumbo.jpg
Một con sông biến thành thác nước dữ dội đổ xuống ngọn núi ở Kathmandu, Nepal. Ảnh: AP

Tại nước láng giềng Nepal, kể từ khi mùa mưa bắt đầu vào giữa tháng 6, 171 người đã thiệt mạng, trong đó có 109 người thiệt mạng do lở đất, số còn lại thiệt mạng do lũ lụt và sét đánh. Ước tính hơn 40 người vẫn đang mất tích.

Mùa mưa ở Nam Á kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 giúp giảm bớt cái nóng của mùa hè và bổ sung nguồn cung cấp nước, do vậy mùa này có vai trò rất quan trọng đối với nông nghiệp và sinh kế của hàng triệu nông dân, đảm bảo an ninh lương thực cho gần 2 tỷ người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn thường xuất hiện các thảm họa liên quan đến thời tiết. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai.

Nhật Bản cảnh báo về nguy cơ siêu động đất, hàng nghìn người hủy kế hoạch du lịch

Tuần trước, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JWA) lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất xung quanh rãnh Nankai chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương. JWA dự báo siêu động đất với tâm chấn giả định thuộc rãnh thấp Nankai là nguy cơ tương đối cao hơn so với bình thường, không chỉ giới hạn trong khu vực xung quanh trận động đất lần này mà có thể mở rộng ở toàn bộ khu vực thuộc Rãnh thấp Nankai.

Nếu siêu động đất xảy ra, các đợt rung chấn mạnh có thể được ghi nhận trên một diện rộng từ vùng Kanto đến vùng Kyushu và sóng thần cao sẽ xuất hiện dọc theo bờ biển Thái Bình Dương từ vùng Kanto đến vùng Okinawa.

Cảnh báo động đất xảy ra đúng vào dịp nghỉ lễ Obon, một trong những kỳ nghỉ dài ngày của người dân Nhật Bản trong tháng 8. Năm nay, kỳ nghỉ lễ được ấn định từ ngày 13-16/8 nhưng do ngày 10-11/8 là cuối tuần nên một số doanh nghiệp hoặc cơ quan cho nghỉ từ ngày 10/8 để tạo điều kiện cho người dân về quê thăm gia đình hoặc đi du lịch.

2849619.jpg
Các nhà khoa học cảnh báo, Nhật Bản nên chuẩn bị cho một trận động đất lớn có thể xảy ra. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ngày 13/8, nhiều chủ khách sạn cho biết cảnh báo siêu động đất của Nhật Bản đã khiến hàng nghìn người hủy đặt phòng khách sạn tại những khu vực được xác định có nguy cơ cao. Động thái này ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các công ty ở một trong những thời điểm du lịch nhộn nhịp nhất.

Theo một nghiệp đoàn khách sạn địa phương tại thành phố miền Tây Kochi, một trong những khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nhất do động đất, ít nhất 9.400 người đã hủy đặt phòng khách sạn kể từ khi JWA đưa ra cảnh báo vào tuần trước. Đại diện của nghiệp đoàn Susumu Nishitani cho biết, các đơn đặt phòng từ ngày 9-18/8 đã bị hủy, gây thiệt hại khoảng 140 triệu yen (948.000 USD).

Theo truyền thông địa phương, nhà chức trách dự kiến dỡ bỏ cảnh báo động đất lớn vào tuần này nếu không phát hiện hoạt động địa chấn bất thường.

Theo Tổng hợp từ Reuters & France 24
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiên tai dồn dập càn quét khắp thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO