Biến đổi khí hậu

Thích ứng BĐKH ở Tiền Giang: Hướng đến sản xuất an toàn, bền vững

Thanh Bạch 20/04/2023 - 10:28

(TN&MT) - Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Tiền Giang đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó, song hành với việc ổn định kinh tế, sản xuất và đời sống của người dân, từ đó, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Chủ động thích ứng

Là tỉnh ven biển với hệ thống sông, rạch chằng chịt, tỉnh Tiền Giang đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Cụ thể, vào mùa khô hàng năm, độ mặn trên cửa sông Tiền và sông Vàm Cỏ Đông lấn sâu vào nội đồng gây tác hại đến sản xuất vùng chuyên canh cây trái của tỉnh; đặc biệt là tình trạng thiếu nước ngọt ở các huyện ven biển phía Đông của tỉnh như: Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công... cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn.

7-1-.jpg
Tập trung chuyển đổi mùa vụ và cây trồng thích ứng BĐKH

Để góp phần ổn định kinh tế, sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện và triển khai nhiều giải pháp, hoạt động thích ứng BĐKH trên địa bàn. Theo đó, các cấp, các ngành và các đơn vị có liên quan cũng đã xây dựng các văn bản để triển khai thực hiện ứng phó một cách cụ thể, phù hợp với ngành, lĩnh vực và địa phương. Đồng thời, tỉnh Tiền Giang còn định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với BĐKH, chuyển đổi mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH, tỉnh Tiền Giang cũng đã đặt mục tiêu phát triển theo hướng "thuận thiên" để thích ứng với BĐKH, biến thách thức thành thời cơ để phát triển bền vững. Trong đó, nhiều giải pháp phi công trình đã được triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã triển khai các dự án, công trình ứng phó với BĐKH như: trồng rừng ngập mặn, xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở, đê kè ngăn mặn và tiêu úng nước, công trình thủy lợi kết hợp đường giao thông… sau khi hoàn thành đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hỗ trợ tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh Tiền Giang còn chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng BĐKH..., từ đó giúp người dân giảm bớt khó khăn, mở hướng sản xuất bền vững.

Chuyển đổi sản xuất

Huyện Gò Công Đông là một địa phương trong tỉnh Tiền Giang nằm ở cuối nguồn và giáp biển. Mỗi khi mùa khô hạn đến, các ruộng lúa đều giảm năng suất do thiếu nước ngọt, thậm chí có ruộng mất trắng. Thực hiện chủ trương cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều người dân nơi đây đã chủ động chuyển từ đất trồng lúa sang trồng thanh long, rau màu và cây trồng khác cho thu nhập cao, đời sống ổn định.

7-2-.jpg
Công trình chống sạt lở, ngăn mặn

Điển hình, ông Trần Văn Hảo (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) đã mạnh dạn chuyển đổi khoảng 5.500m2 đất lúa sang trồng cây thanh long từ vài năm trước đây. Ông Hảo cho biết: “Thu nhập từ trồng lúa trước đây rất bấp bênh, nhất là vào mùa khô do thiếu nước ngọt. Sau khi được hướng dẫn chuyển sang trồng thanh long, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn trước. Tuy mất công chăm sóc nhiều cũng như đòi hỏi kỹ thuật và nặng chi phí hơn so với canh tác lúa, nhưng lợi nhuận mà gia đình tôi thu về từ việc trồng thanh long cao gấp nhiều lần so với cây lúa”.

Từ những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được triển khai thực hiện trong những năm gần đây phát huy hiệu quả, người dân ở hầu hết các địa phương thuộc vùng ven biển của tỉnh Tiền Giang đã tính đến việc chuyển đổi trồng, sản xuất lúa sang trồng cây ăn quả, rau màu ở những diện tích thiếu nước ngọt vào mùa khô với mong muốn góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Theo ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang, từ khi triển khai đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía Đông tỉnh Tiền Giang”, toàn vùng đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ với tổng diện tích khoảng 55.700ha; trong đó, có hơn 15.000ha đất canh tác lúa tại những địa bàn đặc biệt khó khăn về nước ngọt, năng suất không cao. Còn đối với khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 cũng đã chuyển đổi hơn 2.900ha lúa sang cây trồng khác, thích ứng với điều kiện BĐKH.

Theo Kế hoạch của tỉnh Tiền Giang, từ năm 2023 đến năm 2025, vùng ngọt hóa Gò Công tiếp tục chuyển đổi cây trồng thêm 3.300ha; trong đó, Gò Công sẽ chuyển sang trồng cây rau màu gần 1.100ha, cây ăn quả và cây lâu năm khoảng 1.700ha, còn lại là các cây trồng khác. Riêng khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, năm 2023, Tiền Giang sẽ tiếp tục chuyển đổi gần 4.900ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sinh kế vừa thích ứng với BĐKH, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, tỉnh Tiền Giang định hướng sẽ hình thành vùng trồng rau màu hàng hóa, vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu. Đồng thời, Tiền Giang quan tâm chuyển giao rộng rãi khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa thông qua xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến; nhân rộng những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, phù hợp đặc thù miền đất nhiễm phèn mặn. Đây là cách để giúp người dân địa phương an tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, thích ứng với BĐKH, hướng đến cuộc sống an toàn và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng BĐKH ở Tiền Giang: Hướng đến sản xuất an toàn, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO