Dự báo sang Quý IV/2020, lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn ở mức thấp nhờ vào thanh khoản dồi dào. Ảnh minh họa |
Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, trong Quý III/3019, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và một tuần có nhiều biến động đáng kể và theo sát diễn biến của nhau. Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 8 đến đỉnh trong Quý vào 0,25% với thời hạn một tuần (05/08/2019) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngừng giao dịch trên thị trường mở; sau đó giảm mạnh xuống mức 0,13% vào cuối tháng 9 nhờ thanh khoản dồi dào. Trước những diễn biến kém thuận lợi trên thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, vào ngày 30/9/2020, NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành giảm 0,5%/năm, cụ thể lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5% xuống còn 4,0%, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,0% còn 2,5%.
NHNN cũng hạ lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, giảm 0,25%/năm. Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi dưới sáu tháng giảm từ 4,25% xuống còn 4%, lãi suất tiền gửi VND tại Qũy tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô kỳ hạn dưới sáu tháng giảm từ 4,75% xuống còn 4,5%. Đồng thời hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND giảm 0,5%/năm; cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng giảm từ 5% xuống còn 4,5%, của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5%. Động thái này của NHNN hoàn toàn phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại, giúp thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Dự báo sang Quý IV/2020, lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn ở mức thấp nhờ vào thanh khoản dồi dào và NHNN có thể sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành như thời hiểm hiện tại.
Tăng trưởng cung tiền M2 9 tháng đầu năm 2020 ở mức 7,74% so với cuối năm 2019, thấp hơn so với năm 2019 (8,44%) - điều này giảm bớt gánh nặng liên quan đến lạm phát. So với cuối năm 2019, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lần lượt đạt 5,12% và 7,7%, đều thấp hơn so với cùng kì năm 2019 (8,51% và 8,79%). Dịch bệnh bùng phát đợt 2 vào đầu tháng 7 khiến nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, gây ảnh hưởng mạnh lên tăng trưởng tín dụng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh
Báo cáo của VEPR cho thấy, trên thị trường trái phiếu, hiện có 496 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.272 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2019; cao hơn so với cùng kì năm 2019.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh trong 8 tháng đầu năm. Lũy kế đến tháng 8, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 250.129 tỷ đồng, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 237.729 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia VEPR, nguyên nhân giá trị trái phiếu phát hành tăng mạnh đến từ việc các doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu trước thời điểm Nghị định số 81/2020/NĐ-CP về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp” chính thức có hiệu lực từ ngày 01/9/2020. Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về giao dịch tại thị trường phát hành.
Nghị định này được ban hành giúp lành mạnh hóa và giảm rủi ro khi nhà đầu tư tham gia, gia tăng đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời kiểm soát sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường trái phiếu.
Thị trường bất động sản Hà Nội khó khăn
Theo CBRE, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội giảm mạnh trong Quý III, chỉ mở bán 3.503 căn, giảm 42,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm 37,4% so với Quý II (Quý II/2020 mở bán 5.600 căn).
Dịch bệnh bùng phát đợt hai vào đầu tháng 7 cùng việc Chính phủ thắt chặt kiểm soát quy trình phê duyệt quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, số dự án hoàn thiện pháp lý và đủ điều kiện mở bán thấp gây nên sự sụt giảm đáng kể nguồn cung căn hộ tại Hà Nội. Nguồn cung căn hộ tập trung ở phân khúc trung cấp và bình dân, không có sự chào bán căn hộ hạng sang nào. Tổng lượng căn hộ bán được trong Quý III đạt 4.210 căn, giảm 53,7% so với cùng kỳ năm trước, giảm 8,5% so với Quý II (Quý II bán 4.600 căn). Lượng căn hộ bán được chủ yếu thuộc thị trường căn hộ phân khúc trung cấp với mức giá khoảng 1.323 USD/m2, tăng 5% theo năm, cao hơn so với quý trước. Giá bán căn hộ tiếp tục tăng ám chỉ nguồn cung căn hộ sụt giảm mạnh không đáp ứng đủ nhu cầu mua nhà của người dân.
Lượng căn hộ mở bán mới trong Quý III tại TP. HCM tăng mạnh, đạt 3.964 căn, tăng 141% so với Quý II. Ảnh minh họa |
Tại TP. HCM, thị trường bất động sản khá sôi động. Lượng căn hộ mở bán mới trong Quý III tăng mạnh, đạt 3.964 căn, tăng 141% so với Quý II. Lượng căn hộ bán được trong quý đạt 3.552 căn, tăng 124,6% so với Quý II (Quý II bán 1.581 căn). Nhu cầu căn hộ chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp với mức giá khoảng 2.518 USD/m2 (chiếm 89% tổng số giao dịch trong Quý). Những lo ngại về mặt pháp lý, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đã cản trở quyết định đầu tư của các chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư. Tuy nhiên do nguồn cung hạn chế cùng nhu cầu mua tốt từ thị trường tại TP. HCM, mức giá căn hộ ổn định so với quý trước. Giá bán căn hộ cao cấp chỉ tăng nhẹ 1% so với năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia VEPR, bất động sản vẫn là một trong những kênh cất giữ tài sản trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự lo ngại VND mất giá trong tương lai khiến người tiêu dùng tái phân bổ tiết kiệm vào các tài sản an toàn hơn như bất động sản và vàng. Đồng thời, chính sách pháp lý thắt chặt khiến rủi ro trên thị trường bất động sản giảm, giúp người mua tiếp cận tốt hơn với các dự án chất lượng và an toàn hơn. Nhưng đồng thời cũng làm sụt giảm nguồn cung căn hộ trên thị trường, gây áp lực tăng tới giá bán.