Thị trường tái chế chất thải: Nhìn ra thế giới

Yên Thi| 14/11/2019 09:50

(TN&MT) - Lợi nhuận lớn đạt được từ tái chế đã kích cầu một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này từ khối doanh nghiệp tư nhân, từ đó, tạo ra một ngành công nghiệp chất thải đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế các nước.

Tại Hoa Kỳ, ngành công nghiệp chất thải có giá trị tới 70 tỷ USD. Tại Trung Quốc, quy mô dân số lớn nhất trên thế giới (1,33 tỷ người) với tốc độ đô thị hóa nhanh cũng thúc đẩy hoạt động tái chế. Doanh thu từ ngành công nghiệp tái chế chất thải rắn của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 13,5%, ước đạt 16,2 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm tính tới năm 2018.

Ngành tái chế chất thải rắn trên thế giới. Ảnh internet

Tại Ấn Độ, thị trường thu gom và xử lý chất thải hiện có giá trị ước tính khoảng 570 triệu USD, thị trường tái chế có thể đạt từ 2,5 đến 3 tỷ USD, khi ngành xử lý chất thải rắn ngày càng cuốn hút đối với khu vực tư nhân. Khoảng 36% số hợp đồng xử lý chất thải rắn ở Ấn Độ có sự tham gia của tư nhân. Ở Singapore, khối lượng rác thải ra mỗi ngày (khoảng 9.000 tấn) được quay lại các nhà máy tái chế.

Cắt nghĩa nguyên nhân sự thành công của các nước trong lĩnh vực tái chế chất thải, các chuyên gia của Viện Khoa học Môi trường (Bộ TN&MT) chỉ ra rằng, một thị trường tái chế chất thải phát triển phải dựa vào sự tham gia của các chủ thể khác nhau, tạo thành mạng lưới liên kết, chia sẻ thông tin với sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách.

Đơn cử như ở Canada đã hình thành một thị trường tái chế chất thải với sự tham gia của các chủ thể thực hiện việc thu gom chất thải, các nhà máy tái chế, tới nhu cầu sử dụng của các đơn vị như công ty dệt, sản xuất đồ hộp… Tất nhiên, thị trường này có sự điều tiết và hỗ trợ từ cơ quan quản lý, như khuyến khích chương trình mua sắm công. Nhà nước và các cơ quan chính phủ sẽ là nhóm khách hàng đi tiên phong trong việc tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tiếp đến là doanh nghiệp và người dân. Các sản phẩm tái chế đều được gán nhãn xanh hoặc logo, biểu tượng đặc trưng giúp người tiêu dùng dễ nhận biết. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế sẽ giúp các sản phẩm tái chế có nhiều hơn cơ hội thâm nhập thị trường.

Mặt khác, các nước cũng chặt chẽ đưa ra quy định đối với doanh nghiệp tham gia tái chế. Tại các nước như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc có chính sách về trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) trong thực hiện tái chế chất thải. Cùng với đó, cũng có chương trình hệ thống đặt cọc hoàn trả đặc biệt áp dụng đối với các loại vỏ chai, đồ uống nhằm mục tiêu thu hồi và tái sử dụng.

Với các quy định này, một thị trường tái chế chất thải hoạt động trên các nguyên tắc thị trường (nguồn cung - cầu) đã hình thành nên giá thị trường. Chính điều này đã “định vị” giá trị của chất thải, và chất thải, tất lẽ, được coi như một nguồn tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế phát triển.

Theo Quản lý chất thải rắn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường tái chế chất thải: Nhìn ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO