Khó khăn chồng chất
Những “biến cố” đối với thị trường BĐS tại khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã khiến vô số dự án BĐS bị ngưng trệ, nhà đầu tư phải đương đầu với không ít thử thách. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trong năm 2022, gần 1.200 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021. Hiện, có 138 dự án hết thời gian thực hiện nhưng chưa thể hoàn thiện thủ tục pháp lý, 30 dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư nhưng đã ngưng thi công.
Theo các chuyên gia, hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp BĐS là vướng mắc về pháp lý dự án, tiếp theo là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu. Vì vậy, rất cần cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn này, để tiếp tục phát triển các dự án BĐS, đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho người dân trong thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định: Năm 2023 được dự báo là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp BĐS nếu không được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Trước hết, nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp BĐS là có thể tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này. Hiện nay, vướng mắc pháp lý là vấn đề chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp. Tiếp theo là vấn đề “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn, các khoản vay tín dụng đến hạn chuyển thành “nợ xấu”.
“Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS đang thu hẹp quy mô, dừng hoặc hoãn đầu tư xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp BĐS tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán BĐS, tăng chiết khấu đến 50% nhưng vẫn khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên nhiều doanh nghiệp bị thiếu tiền mặt, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết” trên đống tài sản” - ông Châu phân tích.
Kỳ vọng hồi phục
Theo Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, doanh nghiệp BĐS đang thiếu vốn. Lý do không phải ngân hàng không thu xếp vốn được cho doanh nghiệp mà do thị trường tăng trưởng quá nóng thời gian qua đã đẩy giá BĐS tăng ảo khiến các ngân hàng lo ngại. Để thị trường BĐS sớm hồi phục, các ngân hàng cần có bộ tiêu chí mới để thẩm định tín dụng cho các doanh nghiệp. Việc đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Đã đến lúc chấm dứt tình trạng phát triển dự án kiểu “tay không bắt giặc”.
Chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng, hiện nay, nguồn cung đang có xu hướng giảm rõ rệt nhưng giá bán BĐS lại tăng, Vì vậy, để tái lập nguồn cung mới thì thanh khoản của thị trường sẽ hồi phục trở lại. Ngoài ra, 2 “gọng kiềm” đang siết chặt thị trường, đó là lãi vay cao và khả năng vay mới trở nên ngày càng khó khăn, trong khi nợ xấu của chủ tài sản tăng cao, dẫn đến giảm giá để thoát hàng là lựa chọn ít rủi ro hơn ôm hàng. Vì vậy, đà giảm giá BĐS có thể là diễn biến chủ đạo trong năm 2023.
Theo dự báo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, quý I/2023, thị trường BĐS trên cả nước sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái nhưng vẫn còn trầm lắng, nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý dự án cần thêm thời gian. Bước sang quý II và quý III/2023, thị trường BĐS sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý, triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng, các vướng mắc dần được tháo gỡ.