Thị trường trầm lắng
Mặc dù, giai đoạn cuối năm 2022, các chủ đầu tư lần lượt đưa ra nhiều chương trình chiết khấu “khủng” đến 50 %/sản phẩm BĐS để kích cầu nhưng vẫn không hiệu quả, vắng bóng người mua. Theo các chuyên gia, từ giai đoạn này đến nay, các nguồn vốn tín dụng trong lĩnh vực BĐS liên tục tắc nghẽn khiến thị trường ngày càng xấu đi. Trong giai đoạn sắp kết thúc quý I/2023, thị trường BĐS khu vực phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn đang trầm lắng, chưa có dấu hiệu hồi sinh. Tuy nhiên, ở bất cứ bối cảnh, trong nguy cơ luôn có cơ hội, trong thách thức luôn có sự vươn lên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tìm ra cơ hội tốt nhất cho mình.
“Dự đoán, phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ là “điểm sáng” của thị trường BĐS trong giai đoạn sắp tới, bởi đáp ứng nhu cầu ở thực của đa số người dân, đây cũng là lời giải để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS hiện nay. Tuy vậy, các chủ đầu tư dự án BĐS cần phải cơ cấu lại chính sách, giá cả bán hàng hợp lý, muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua nhà ở thực thì giá bán BĐS cần phải giảm đảm bảo hợp lý hơn”.
Ông Trần Nguyên Đán - Chuyên gia kinh tế
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), thị trường BĐS hiện đang trong giai đoạn khó khăn, nhất là vướng mắc pháp lý dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp BĐS cũng gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu. Hiện tại, thị trường đang có sự lệch pha do thiếu hụt nguồn cung sản phẩm mới. Điều này dẫn đến mất cơ cấu sản phẩm trên thị trường, vì đa số người dân đang rất cần nhà ở có giá vừa túi tiền khoảng 35 triệu/m2 trở xuống.
“Tỉ lệ nhà ở cao cấp liên tục tăng giá, số lượng nguồn cung cũng rất lớn. Sơ bộ năm 2020, tỉ lệ nhà ở cao cấp chiếm 70% thị phần thì năm 2021 và 2022 tăng lên 80%, thị trường còn lại là nhà ở trung cấp. Chính vì vậy, thị trường BĐS thiếu hụt nhà ở vừa túi tiền cho người mua ở thực quá lớn. Thực tế hiện nay, tuy tình hình kinh tế khó khăn nhưng giá cả sản phẩm BĐS nếu hợp lý thì người mua vẫn rút “hầu bao” để xuống tiền sở hữu, vì đó là nhu cầu để có chỗ ở thực” - ông Châu phân tích.
Đâu là điểm sáng?
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, thị trường BĐS sẽ diễn biến theo 2 kịch bản trái ngược nhau. Điều này phụ thuộc vào những chính sách điều hành vĩ mô chung. Trường hợp nếu không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng thì thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn. Còn nếu có sự điều chỉnh chính sách về nguồn vốn, trái phiếu và cân đối giá bán sản phẩm BĐS thì kịch bản tích cực thị trường BĐS sẽ ấm dần lên và có sự phát triển ổn định trở lại.
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức ổn định, tuy nhiên, nguồn cung hạn chế, nhất là phân khúc nhà ở vừa túi tiền thiếu quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản chung của toàn thị trường. Dự báo, thị trường BĐS trên cả nước sẽ có tín hiệu đảo chiều và cân bằng hơn vào giai đoạn cuối năm 2023, tăng trưởng trở lại vào năm 2024. Trong đó, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực như căn hộ chung cư hay nhà phố sẽ dẫn dắt thị trường. Phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực là “điểm sáng” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trong thời gian tới.
Theo DKRA Việt Nam (Hệ thống cung cấp giải pháp trong lĩnh vực dịch vụ BĐS), trong giai đoạn này, các chủ đầu tư có tài chính cơ bản, sở hữu quỹ đất sạch, có uy tín, có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng… nên tự tìm cho mình cơ hội để phát triển, duy trì kinh doanh. Song, cũng cần phải thượng tôn pháp luật và cần có những phương án dự trù để đối phó với các kịch bản khó khăn xảy ra trong tương lai. Về môi giới BĐS, thị trường BĐS hiện tại cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp môi giới BĐS có quy trình chuyên nghiệp, có liên kết tốt với các chủ đầu tư, có chính sách chăm sóc khách hàng tốt, nhất là có tiềm lực tài chính mạnh.