Thị trấn Cổ Lễ (Nam Định): Khuất tất quản lý đất đai

16/10/2018 08:11

(TN&MT) - Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh (Nam Định) bán đất cho dân xây nhà kiên cố vào vị trí đất quy hoạch đường giao thông; đã thu tiền đất nhưng không lập biên bản bàn giao đất cho người mua. Nay UBND huyện triển khai dự án xây dựng khu đô thị, thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, người dân bất ngờ khi lãnh đạo huyện Trực Ninh quả quyết “không đủ điều kiện tái định cư”.

IMG 1060
Chị Hương, anh Thiện đưa cho phóng viên báo TN&MT các chứng từ chứng minh 2 gia đình đã nộp đủ tiền mua đất và hàng năm thực hiện nghiêm chính nghĩa vụ thuế Nhà nước.

Vợ chồng anh Nguyễn Mậu Thiện, chị Liễu Thị Thu; gia đình anh Nguyễn Gia Nghĩa, chị Hương, ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh (Nam Định) đưa cho phóng viên Báo TN&MT xem những chứng từ nộp tiền mua đất, hóa đơn đóng tiền thuế sử dụng đất hằng năm và cho biết: Năm 1993, gia đình được UBND thị trấn Cổ Lễ cấp một mạnh đất để làm nhà với giá 18 triệu đồng/lô tại khu A1, đường Hữu Nghị. Do hoàn cảnh khó khăn nên đến năm 2002 - 2003 gia đình mới nộp đủ tiền theo quy định. Hàng năm gia đình chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước; gia đình sinh sống ổn định, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú, đất không có tranh chấp.

IMG 1064
UBND thị trấn Cổ Lễ lập phiếu nộp tiền đất của gia đình anh Nguyễn Mậu Thiện.

 

IMG 1061
Biên lai thu thuế nhà đất của gia đình anh Nguyễn Gia Nghĩa.

Chị Hương, chị Thu cho biết: UBND huyện, tỉnh Nam Định đang xây dựng dự án đô thị mới, thu hồi đất và giải tỏa nhà ở của 2 gia đình. Ban Giải phóng mặt bằng huyện lại nói với chúng tôi là đất bất hợp pháp, trong khi đó các hộ khác trên địa bàn trong diện tích giải tỏa đã được nhận tiền đền bù xong.

Theo chị Thu, đất ở là tài sản lớn nhất mà gia đình đã chắt chiu, gom góp mua được để dựng căn nhà để sinh sống. Tôi rất lo lắng vì không biết cơ quan chức năng sẽ đền bù cho gia đình tôi như thế nào để có thể mua được mảnh đất khác, làm nhà ở sinh sống nuôi con cái. Nhà tôi đang làm cửa hàng kinh doanh, bây giờ giải tỏa đi nơi khác, chưa biết sẽ mưu sinh như thế nào, cuộc sống sẽ rất gian nan khi không còn cửa hàng.

IMG 0899
Gia đình anh Thiện, chị Thu tiết kiệm xây dựng ngôi nhà kiên cố, mở cửa hàng kinh doanh ổn định, nay bị giải tỏa, gia đình rất lo lắng cuộc sống bị khó khăn,


Làm việc với phóng viên Báo TN&MT, anh Thiện, anh Nghĩa cùng kiến nghị: Gia đình tôi đủ điều kiện để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 01/2017/NĐ- CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai 2013, cơ quan chức năng phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho gia đình tôi.

Quá trình xác minh thông tin, nhóm phóng viên phát hiện có nhiều dấu hiệu khuất tất trong quản lý đất tại Thị Trấn Cổ Lễ, từ việc cấp đất vào đất quy hoạch; thu tiền đất nhưng không làm bất kỳ giấy tờ gì giao đất cho dân; thu nộp đất ruộng của dân nhưng không đưa vào sổ sách báo cáo  cấp trên.

IMG 0918
Dự án khu đô thị thị trấn Cổ Lễ đang được triển khai san lấp mặt bằng.


Điển hình, năm 1995, gia định anh Nguyễn Gia Nghĩa, xã viên Đội sản xuất số 2, thị trấn Cổ Lễ đã trả 2 mảnh ruộng, tổng diện tích 1 sào ruộng (360m2) để Nhà nước làm đường giao thông. Bù lại, chính quyền cam kết sẽ bố trí cho gia đình anh Nghĩa sẽ được cấp 1 lô đất ở khu A1, đường hữu nghị. Điều lạ là, giống như nhà anh Thiện, gia đình anh Nghĩa vẫn phải nộp 18 triệu đồng/1 lô đất trên đường Hữu Nghị, nhưng lại phải trả ra 1 sào ruộng.

Được chính quyền giao cho mảnh đất, gia đình đã xây dựng nhà kiên cố, nhưng nay thì lại được huyện thông báo phải giải tỏa để làm đường vào khu đô thị mới. Khi triển khai dự án khu đô thị, thực hiện công tác đền bù giải tỏa mới “lật tẩy” chính quyền để ngoài sổ sách diện tích đất ruộng của gia đình anh Nghĩa (!?).

Theo anh Liệu, cán bộ địa chính Thị trấn Cổ Lễ cho rằng, các chứng từ: Phiếu thu, hóa đơn thuế đất gia đình đang quản lý đều có cơ sở để thực hiện đền bù quyền lợi cho dân, Vấn đề là làm sao cho dân khỏi thiệt thòi vì dân ở sinh sống ở đây từ lâu, không có tranh chấp. Về đất ruộng nhà anh Nghĩa (1 sào), trước đây không có trong danh sách kê khai, quản lý của thị trấn. Vừa qua gia đình đưa các giấy tờ gốc ra, thị trấn hướng dẫn làm thủ tục xác nhận từ cơ sở để làm căn cứ đền bù.

IMG 1062
Ông Phạm Trọng Duy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Trực Ninh làm việc với phóng viên Báo TN&MT về công tác GPMB dự án xây dựng khu đô thị, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh (Nam Định).

Ông Phạm Trọng Duy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Trực Ninh cho biết: Dự án khu đô thị thị trấn Cổ Lễ do UBND tỉnh Nam Định quyết định đầu tư; UBND huyện làm chủ đầu tư, quy mô khoảng 9,5ha. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện khá lâu. Mục tiêu GPMB phải đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân, đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Duy: Lô đất của 2 hộ anh Thiện, anh Nghĩa ở khu A trên hồ sơ địa chính là đất quy hoạch giao thông; gia đình có phiếu thu tiền đất từ 2002 - 2004, mỗi gia đình nộp 18 triệu đồng, nhà anh Nghĩa còn trả ra cho nhà nước 1 sào ruộng. Phiếu thu tiền đất, có phiếu ghi nộp đất A2, có phiếu thu ghi A1. Thực tế, 2 người nhận đất cùng 1 thời điểm, cùng nộp 18 triệu đồng để được cấp đất, nhưng nhà anh Nghĩa lại phải trả thêm 1 sao ruộng, điều này cần xác minh. Anh Thiện sử dụng 82,7m2; anh Nghĩa sử dụng 97,9m2 đất, không có biên bản giao đất, không có sổ đỏ. Thu tiền thì có, giao đất thì không nên huyện đang gặp phải vướng mắc trong giải quyết chính sách đền bù.

Trên thực tế, những hộ dân đang sinh sinh sống trên khu vực đất giải tỏa đường Hữu Nghị, thị trấn Cổ Lễ không phải những người nhảy dù hay lấn chiếm đất công, mà họ bỏ tiền mua đất cách nay mấy chục năm. Với số tiền đó, nếu mua ở vị trí khác, họ sẽ không bị lâm vào cảnh lao đao như hiện nay.

Thu tiền đất của dân, ghi địa chỉ thửa đất trên phiếu thu là do cán bộ thị trấn; hơn nữa, không xác lập biên bản bản giao đất, không làm thủ tục quyền sử dụng đất cho dân là trách nhiệm của chính quyền, không thể nói “các hộ không có giấy tờ gì chứng minh quyền sử dụng đất đai”.

Liên quan đến xác định nguồn gốc đất, huyện Trực Ninh đã mời Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng về để xin ý kiến về phương án đền bù, giải tỏa phục vụ dự án.

Các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định có ý kiến như thế nào về uẩn khúc trong quản lý đất đai; chính sách đền bù giải tỏa phục vụ Dự án khu đô thị thị trấn Cổ Lễ, Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trấn Cổ Lễ (Nam Định): Khuất tất quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO