Thêm 87 người mắc COVID-19, Việt Nam có 6.657 ca

Khánh Linh| 29/05/2021 07:16

(TN&MT) - Bản tin sáng 29/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 87 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Ninh và Bắc Giang đã chiếm 84 ca.

Ảnh minh họa

Diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam

Tính từ 18h ngày 28/5 đến 6h ngày 29/5 có 87 ca mắc mới (BN6571-6657) ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (57), Bắc Ninh (27), Bạc Liêu (1), Gia Lai (1) và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1).

Tính đến 6h ngày 29/5: Việt Nam có tổng cộng 5.164 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 3.594 ca.

Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay đã thực hiện 1.132.626 xét nghiệm cho 2.106.308 lượt người.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới

CA BỆNH BN6571; BN6602 - BN6657 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

CA BỆNH BN6572 ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu: là F1 của BN6427, liên quan đến ổ dịch Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh.

CA BỆNH BN6573 - BN6587; BN6589 - BN6600 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: là F1, liên quan ổ dịch huyện Thuân Thành, ổ dịch cũ, đã đươc cách ly.

CA BỆNH BN6588 ghi nhận tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều: là F1, đã được cách ly trong Bệnh viện.

CA BỆNH BN6601 tại Gia Lai: là F1 BN5410, đã được cách ly.

Số người cách ly

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 161.445, trong đó: Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 5.373 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 32.404 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 123.668 người.

Tình hình điều trị

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 112 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 41 ca; số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2 là 70 ca.

Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực đàm phán để tiếp cận các nguồn vắc xin COVID-19

Chiều ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp trực tuyến với công ty Zuellig Pharma là đơn vị đại diện cung ứng vắc xin phòng COVID-19 của Moderna cho Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về khả năng và những điều kiện cung ứng vắc xin phòng COVID-19 của Moderna cho Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vắc xin cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Đại diện Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.

Cũng trong chiều 29/5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm: Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EURO CHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Anh; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và các công ty Samsung Việt Nam, SK, LG … để thảo luận về vấn đề cung ứng vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vắc xin cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.

Tại buổi làm việc, đại diện các bên chúc mừng Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã phòng, chống dịch COVIID-19 thành công, tạo điều kiện tốt để các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hiệu quả tại Việt Nam đồng thời bày tỏ vui mừng khi Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 là một trong những ưu tiên không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Quan điểm của Việt Nam là làm thế nào để có thể tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng vắc xin rộng nhất. Mặc dù vậy, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, Việt Nam không phải là điểm nóng về dịch COVID-19 nên việc tiếp cận vắc xin cũng hạn chế hơn do các đơn vị cung ứng vắc xin ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.

Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 như đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc xin; khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vắc xin để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vắc xin… Các bên đều ủng hộ cùng tham gia chia sẻ để giảm nhẹ gánh nặng đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong vấn đề tiếp cận và cung ứng vắc xin.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin COVAX Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 38,9 triệu liều vắc xin COVID-19 và Việt Nam cũng đề xuất COVAX Facility hỗ trợ Việt Nam thêm 10 triệu liều vắc xin theo cơ chế chia sẻ chi phí. Bộ trưởng mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các Quốc gia tài trợ cho COVAX Facility hỗ trợ, tác động để có thêm vắc xin cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các nước có dư thừa vắc xin, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vắc xin.

Đại diện các Hiệp hội, Phòng thương mại, các công ty cũng đồng ý chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin cho người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các bên đánh giá cao việc Bộ Y tế sẽ hỗ trợ phê duyệt các thủ tục nhập khẩu vắc xin nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm 87 người mắc COVID-19, Việt Nam có 6.657 ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO