Thế mạnh và hướng đi trong chế biến tiêu thụ nông sản Hải Dương với hội nhập quốc tế

Trần Tuấn - Xuân Vũ| 27/10/2019 10:17

(TN&MT) - Việc thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm tìm ra hướng đi mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng như khu vực Đồng bằng sông Hồng cùng phát triển...

Phát huy tiềm năng

Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh, nhiều chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đang được triển khai như: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020” đang là động lực chính cho sản xuất và tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương.

Lễ hội vải thiều Thanh Hà, một dịp quảng bá thương hiệu vải quả đặc sản của Hải Dương.

Nông sản ở Hải Dương, trong nhóm cây lương thực, thì cây lúa làm chủ đạo. Diện tích lúa gieo trồng cả năm tới 120.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt 700.000 tấn lúa. Trong đó có 67% diện tích là lúa chất lượng cao có tiếng như Bắc thơm, BC15, nếp cái hoa vàng, nếp các loại, nằm ở các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Kinh Môn, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện.

Bên cạnh cây lúa, nhóm cây rau đậu thực phẩm chủ lực của tỉnh với diện tích 31.100 ha, sản lượng trên 720.000 tấn được trồng quanh năm, song chủ yếu là vụ đông, đó là các sản phẩm xu hào, bắp cải, cà chua, sup lơ, diện tích 4.900 ha, sản lượng 160.000 tấn; hành tỏi 5.800 ha, sản lượng 77.000 tấn, cà rốt 1500 ha, sản lượng 52.000 tấn …

Từ lâu, những trái cây ở Hải Dương đã có tiếng khắp mọi miền. Tỉnh đã hình thành và mở rộng vùng trồng cây ăn quả đặc sản 21.000 ha, trong đó vải trên 10.000 ha, với 1.000 ha vải sớm ở khu Hà Đông, huyện Thanh Hà. Cây ổi đặc sản được trồng ở các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Lang với diện tích 1.200 ha. Quả na dai ở TP Chí Linh trồng hơn 1.000 ha. Trong tỉnh còn có 1.060 ha cam ngọt, 100 ha bưởi đào … một số cây ăn quả đều có vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, có giấy chứng nhận mã số vùng trồng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong sản phẩm nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, là thế mạnh của tỉnh. Hiện nay nhiều cơ sở phát triển theo công nghiệp với quy mô lớn. Toàn tỉnh Hải Dương có 732 trang trại chăn nuôi, trong đó có 521 cơ sở đáp ứng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. 76 cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn VietGap. Tổng đàn lợn năm 2018 đạt 568.000 con, tổng đàn gia cầm 12,7 triệu con, đàn bò đạt 22.000 con.

Bên cạnh nuôi gia súc, gia cầm thì diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh có tới 11.200 ha, sản lượng 74.000 tấn. Với gần 4.500 lồng nuôi cá trên sông cho trên 7.500 tấn cá chất lượng cao như cá lăng, cá trắm ròn, chép ròn. Trong tỉnh cũng hình thành các mô hình nuôi cá khoa học như mô hình “ao nổi”, “sông trong ao” cho năng suất bình quân 100 tấn cá/ha.

Đa dạng các cơ sở chế biến nông sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, nông sản trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, hầu hết được chế biến ở 12.043 cơ sở. Trong đó có 104 doanh nghiệp, HTX và 11.939 hộ cá thể tham gia hoạt động chế biến nông sản. Trong đó chủ yếu là xay xát gạo, làm bún bánh, đậu phụ, chế biến đồ uống, sản xuất bánh kẹo, chế biến rau củ quả; chế biến thịt gia súc, gia cầm.

Với 7.105 cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, trong đó có 3.108 cơ sở xay xát gạo, 2.101 cơ sở làm bún, bánh, 1.896 cơ sở làm đậu phụ, các cơ sở chế biến tạo ra các sản phẩm xay xát gạo trắng, gạo lứt, bún, bánh đa, bánh cuốn, đậu phụ, phục vụ thị trường tại chỗ là chính. Trong tỉnh cũng có một số doanh nghiệp xay xát lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, có sản phẩm xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc.

Hải Dương cũng là tỉnh có nhiều bánh kẹo ngon, có truyền thống lâu đời như bánh đậu xanh, bánh gai, bánh khảo, kẹo lạc… Với 37 doanh nghiệp trong tổng số 137 cơ sở chế biến bánh kẹo, đã tạo ra các sản phẩm đặc sản có thương hiệu và uy tín, được du khách trong nước và quốc tế biết đến.

Sản phẩm đồ uống ở Hải Dương chủ yếu là sản xuất rượu, bia. Các làng nghề nấu rượu truyền thống như Phú Lộc (Cẩm Giàng), Văn Giang (huyện Ninh Giang) vẫn được duy trì cùng 1.937 cơ sở chế biến rượu khác. Một số nhà máy bia, rượu có quy mô sản xuất công nghiệp như Công ty cổ phần bia Hà Nội- Hải Dương, Công ty cổ phần bia Thăng Long, Công ty cổ phần bia Hải Đà…có sản lượng bia đạt trên 100 triệu lít/năm.

Trong công nghệ chế biến rau, củ, quả, Hải Dương có truyền thống với những sản phẩm như hành tỏi sấy khô xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; ớt muối xuất khẩu sang Trung Quốc; các sản phẩm vải thiều sấy khô, cấp đông; ngô ngọt, đậu tương, súp lơ xanh, rau cải, dưa chuột muối… xuất khẩu đi Châu Âu, Mỹ Hàn quốc Nga. Trong số 1.077 cơ sở chế biến rau, củ, quả, một số doanh nghiệp đã đầu tư kho lạnh, dây chuyền chế biến hiện đại để đóng hộp, sấy, cấp đông, nghiền bột, phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh chế biến rau củ quả xuất khẩu, sản phẩm thịt lợn đông lạnh, lợn sữa, lợn choai nguyên con cấp đông được khách hàng Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc mến mộ. Hải Dương cũng có 300 cơ sở chế biến giò chả, 1.487 cơ sở chế biến gia súc, gia cầm, phục vụ sản phẩm thịt tươi cho thị trường tại chỗ và khu vực.

Đa dạng trong chế biến, nâng cao chất lượng nông sản, những năm gần đây, Hải Dương có nhiều chính sách và các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản. Hàng loạt các hoạt động như tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư về nông nghiệp nông thôn; tham gia hội trợ trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, trang trại, HTX, các hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đưa các đoàn đi khảo sát, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông…, hàng chục mặt hàng nông sản của Hải Dương đã xuất khẩu đi các nước Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Singapore, Malaysia…

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế ngày càng sâu rộng, khi Việt Nam tham gia các hiệp định FTAs thế hệ mới, đồng thời đứng trước yêu cầu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực chế biến, bảo quản về nông sản, Hải Dương đang từng bước phát huy thế mạnh về nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành các chuỗi liên kết gắn với thị trường. Đổi mới tổ chức từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến gắn với thị trường. Cùng với các tỉnh, Hải Dương quyết tâm đưa nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Hồng hội nhập thành công với thị trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế mạnh và hướng đi trong chế biến tiêu thụ nông sản Hải Dương với hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO