Tài nguyên nước

Thể chế quan điểm tuần hoàn tài nguyên nước

Nguyễn Thủy 23/05/2023 - 11:01

(TN&MT) - Trong bối cảnh hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trên thế giới, việc tuần hoàn tài nguyên nước là một yêu cầu cần thiết. Các quốc gia cần xây dựng được môi trường pháp lý cho phép thực hiện các giải pháp kinh tế nước tuần hoàn, đưa ra các chính sách khuyến khích và thúc đẩy thích hợp, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm nước, tuần hoàn, tái sử dụng nước. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã đặt ra vấn đề này.

Quản lý tài nguyên nước theo nguyên tắc tuần hoàn

Tái sử dụng nước thải đã qua xử lý đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia và là một trong những nội dung nằm trong Mục tiêu 6 - đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người (SDG6) của Mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc đề ra và các quốc gia thành viên cam kết thực hiện đến năm 2030.

11.png
Tuần hoàn tài nguyên nước là vấn đề cần được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Để thực hiện được mục tiêu này, trên thế giới, trong hơn thập kỷ trở lại đây, các chính sách, chương trình, sáng kiến về tái sử dụng nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đã được tăng cường triển khai để giải quyết vấn đề thiếu nước, giảm áp lực về tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước tại nhiều quốc gia. Trong đó, tại nhiều quốc gia, các doanh nghiệp tích cực tham gia tuần hoàn, tái sử dụng nước thải đã qua xử lý sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, khuyến khích của nhà nước thông qua một số quy định, nghị định.

Tại Việt Nam, quá trình đô thị nhanh chóng là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Tuy nhiên, các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải công nghiệp và chỉ khoảng 12,5% nước thải đô thị.

Mặc dù ý tưởng về mô hình kinh tế tuần hoàn là rất khả thi và hiệu quả, nhưng việc áp dụng trên thực tế tại Việt Nam còn chưa nhiều. Ghi nhận tại thực tiễn cho thấy, bước đầu các doanh nghiệp đã tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong sử dụng nước như: Tái sử dụng nước thải để tưới cây; Tái sử dụng nước thải cho nhà vệ sinh; Tái sử dụng nước thải để rửa đường; Tái sử dụng nước thải cho sản xuất; Tái sử dụng cho phòng cháy chữa cháy và tạo cảnh quan;…Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp tham gia tái sử dụng nước, tuần hoàn nước còn rất hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề này.

Trước thực tế đó, để bảo đảm cấp nước bền vững và bảo vệ hệ sinh thái nước thì việc xây dựng một chiến lược tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững với đa mục tiêu: bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay. Vì vậy, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này đã đặt ra vấn đề này.

Theo đó, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bước đầu đưa ra nội dung về tuần hoàn tài nguyên nước. Cụ thể, tại Điều 58, một trong những biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là “cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa để sử dụng”.

Đặc biệt, Dự thảo Luật nhấn mạnh: “Tại khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước phải có giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước thải trong giai đoạn thiết kế dự án” hay “Trong các hoạt động bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ, có việc sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải; thu gom sử dụng nước mưa; sử dụng nước được khử muối từ nước lợ, nước mặn; đầu tư thiết bị công nghệ tiết kiệm nước”.

Cần làm rõ các khái niệm và quy định cụ thể

Tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, để làm rõ quan điểm tuần hoàn tài nguyên nước, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, Ban soạn thảo Dự thảo Luật cần làm rõ 3 cụm từ “Sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước”, “Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước” và “Sử dụng tuần hoàn tài nguyên nước” để đảm bảo tính đầy đủ và áp dụng thực tiễn sát thực.

Bên cạnh đó, trong quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có nội dung tuần hoàn nước, cũng như vậy đối với các quy định cho sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và sử dụng mục đích khác thiếu nội dung khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và cơ chế ưu đãi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thể chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” về cơ bản do nhu cầu thị trường chi phối, hiệu quả tài nguyên nước là sự cân đối giữa cung và cầu về tài nguyên nước, tiết kiệm tài nguyên nước phụ thuộc vào công nghệ, còn tuần hoàn tài nguyên nước cũng phụ thuộc vào công nghệ và thị trường. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đề xuất cơ quan soạn thảo khi xây dựng, thiết kế các điều khoản của Dự thảo Luật cần chú ý tới yếu tố này.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, bà Hoàng Thị Thu Hương - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, một trong những vấn đề đã được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đang rất được quan tâm đó là bảo đảm an ninh nguồn nước và tuần hoàn tái sử dụng nước, thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn tài nguyên.

Tuần hoàn tài nguyên nói chung và tài nguyên nước nói riêng được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực tuần hoàn tài nguyên nước chưa được đề cập sâu trong các Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Do vậy, dẫn đến nhiều rào cản trong việc áp dụng tái sử dụng nước trong các lĩnh vực khác nhau.

Mặt khác, hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy tuần hoàn tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam. Do đó, bà Hoàng Thị Thu Hương đề xuất ban soạn thảo cần đặt vấn đề tái sử dụng nước trong Dự thảo Luật sửa đổi, trong đó cần đưa ra định nghĩa về các khái niệm tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước, để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả thì cũng cần có các nội dung về các biện pháp, các ưu đãi, phát triển khoa học công nghệ liên quan đến việc tuần hoàn tái sử dụng nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể chế quan điểm tuần hoàn tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO