Đây là kết quả vừa được công bố của nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội về những dữ liệu mới nhất tác động của ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội với sức khỏe con người.
Nhiều năm nay, hạt bụi nói chung và bụi mịn nói riêng đã trở thành tiếng thở dài của những cư dân đô thị. Đã có quá nhiều cảnh báo tác hại từ bụi siêu mịn PM 2.5 gây ra nguy cơ rất cao với sức khỏe, tuổi thọ con người. Nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong ở nhóm người 25 tuổi trở lên do phơi nhiễm dài hạn với bụi PM 2.5. Cụ thể, năm 2019, Hà Nội có 2.855 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm/100.000 dân và chiếm 12% tổng số ca tử vong ở người dân Thủ đô trên 25 tuổi.Đáng chú ý, tuổi thọ bình quân của người Hà Nội hiện nay khoảng 79 tuổi, nếu không vì ô nhiễm bụi mịn, tuổi thọ của họ phải là 81,49 tuổi.
Hạt bụi nói chung và bụi mịn nói riêng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng |
Từ những con số cảnh báo cho thấy, hạt bụi đã không còn là vật thể quá “nhỏ nhẹ”, mà nó đang thể hiện “quyền lực” của mình trong cuộc sống hôm nay, đồng thời, mang theo những quyết định nghiệt ngã cho môi trường sống tương lai.
Đã có không ít các tổ chức bảo vệ môi trường, nhà khoa học, báo chí, cộng đồng xã hội bùng nổ với những chỉ số quan trắc, lập luận khoa học và quan điểm cá nhân về những cảnh báo từ các ứng dụng. Người dân hoang mang, doanh nghiệp thức thời tung ra hàng loạt sản phẩm lọc không khí hay khẩu trang ngăn hạt siêu bụi…
Đổ xô mua khẩu trang chống bụi mịn, máy lọc không khí gia đình… chỉ là giải pháp tình thế của mỗi người và không nên chỉ ích kỷ dừng lại tại đó. Chúng ta sống trong môi trường ô nhiễm, có quyền đòi hỏi quyền được hưởng một môi trường cần phải được cải thiện hơn nữa. Nhưng song song quyền chính đáng đó phải là trách nhiệm tương xứng với môi trường sống.
Điều này cũng được Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ quyền được sống trong môi trường trong lành cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người. Khi Nhà nước ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người cũng có nghĩa là Nhà nước ghi nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.
Nhìn nhận thấu đáo và công bằng mà nói, việc thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm không khí không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng là một thực tế khó tránh tại các quốc gia đang phát triển và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Bởi theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khoảng 90% số người chết liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn thuộc châu Á và châu Phi.
Dẫu vậy, chúng ta cũng cần phải nhìn ra ngoài thế giới để thấy được một số quốc gia đã và đang quyết liệt tham gia vào cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, giảm mật độ bụi mịn như thế nào, bằng cả những giải pháp tạm thời và lâu dài.
Cần có có những giải pháp quyết liệt hơn đề hạn chế ô nhiễm không khí |
Ngay trong việc giảm phát thải từ hoạt động giao thông vận tải, dù vấn đề này được đặt lên bàn cân về chỉ số đánh giá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí, song cứ thử nhìn vào thực tế, với ô tô, xe máy cá nhân vẫn không ngừng tăng lên, đủ để thấy thêm những lo ngại với môi trường sống ra sao.
Mặc dù, trước đó, Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010 nhưng đến nay chưa triển khai, trong khi nhiều phương tiện giao thông cũ nát, quá hạn sử dụng rất lâu, thải nhiều khí độc hại vẫn ngang nhiên tồn tại và tham gia giao thông. Ước tính khoảng 90% khí thải gây ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ các phương tiện cơ giới cá nhân. Trong khi đó, các quốc gia có nhiều xe máy như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... đã thực hiện kiểm tra khí thải từ hơn chục năm nay.
Rõ ràng nhận thức về môi trường cần được thay đổi từ chính những người hoạch định chiến lược phát triển của quốc gia, điều đó mới có thể tạo ra những thay đổi mang tính căn bản. Đơn cử, để hạn chế tai nạn giao thông và tác hại của bia rượu, Chính phủ đã quyết liệt với mức xử phạt nghiêm khắc, tạo ra những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Vậy những tác hại đến từ ô nhiễm nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng, vốn nguy hại hơn rất nhiều, hẳn cũng cần phải có những giải pháp quyết liệt tương ứng?!
Và trong khi những kế hoạch còn nằm trên giấy, những giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí còn dừng ở tuyên truyền, tiếp tục nghiên cứu… chúng ta cần bình tâm nhìn lại, cần có thái độ ứng xử chuẩn mực với môi trường bằng lối sống xanh nếu không muốn phải ngày ngày hít thở bầu không khí ô nhiễm trầm trọng hơn.
Một dấu chấm kết cho bài viết này tuy rất nhỏ nhưng nó vẫn lớn hơn hàng ngàn lần bụi mịn PM2.5 ngoài kia.