Phối hợp chưa hiệu quả
Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai, ngay từ khi thành lập, hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động quản lý, sử dụng đất đã được tổ chức thực hiện thường xuyên, theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT. Theo đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều sai phạm tại các cấp, góp phần chấn chỉnh đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được công tác thanh kiểm tra còn một số hạn chế. Cụ thể, số lượng các cuộc thanh, kiểm tra còn ít, nhất là ở địa phương bình quân chỉ 3 – 5 cuộc/1 năm. Đồng thời, đối tượng thanh tra ở các địa phương lại khác nhau, dẫn tới không đủ thông tin đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, việc ban hành kết luận thanh tra còn chậm, ở nhiều địa phương có trường hợp thanh tra nhưng không ban hành kết luận. Có những trường hợp đã ban hành kết luận nhưng xử lý còn chậm, không triệt để, dẫn tới kéo dài, hiệu quả thấp.
Kiểm tra đất đai để phát hiện, xử lý sai phạm và kiến nghị sửa đổi cơ chế. Ảnh: Hoàng Minh |
Mặt khác, do việc tổ chức đánh giá kết quả thanh tra chủ yếu do cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai thực hiện, không có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nên kết quả đánh giá còn thiếu khách quan, chưa phản ánh hết những tồn tại, hạn chế của công tác quản lý đất đai…
Nguyên nhân của việc này là do, việc chuẩn bị kế hoạch thanh, kiểm tra của các cấp, địa phương còn bị động, thiếu thống nhất, không có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, sự phối hợp của các cấp, ngành và địa phương trong việc triển khai thanh, kiểm tra chưa chặt chẽ. Đặc biệt, lực lượng thanh tra chuyên ngành đất đai ở các cấp còn mỏng, bộ máy tổ chức, cán bộ thiếu ổn định, còn hạn chế về chuyên môn…
Tăng cường thanh, kiểm tra theo từng loại đối tượng
Để thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, theo quy định của Luật Đất đai 2013, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống cơ quan, cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành.
Đẩy mạnh tổ chức, chỉ đạo ngành thực hiện công tác này theo từng loại đối tượng trên phạm vi cả nước để đánh giá đúng tình hình và xử lý triệt để các sai phạm của từng loại đối tướng.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thi hành Luật Đất đai của UBND các cấp, trọng tâm là việc thực hiện các nội dung quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh vi phạm đất đai theo đường dây nóng của Cục Kiểm soát quản lý và Sử dụng đất đai.
Tập trung xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai. Quy định cụ thể bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá và quy trình, phương pháp, trách nhiệm thu thập, tổng hợp thông tin the dõi đánh giá, xây dựng phần mềm phục vụ việc này. Bên cạnh đó, phân công đơn vị, cán bộ thường xuyên cập nhật thông tin quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng báo cáp hành năm về tình hình thực hiện Luật Đất đai 2013, đánh giá hiệu quả của tác động chính sách, pháp luật trên phạm vi cả nước.
Công khai rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử và hệ thống theo dõi, đánh giá hoạt động quản lý, sử dụng đất của UBND các tỉnh, thành phố và ngành Quản lý Đất đai các cấp về các vi phạm đất đai, tình hình thi hành Luật.
Trường Tuyết