Tiếng dân

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt vi phạm trong phát triển điện mặt trời

Phạm Văn 26/12/2023 - 17:33

(TN&MT) - Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch và phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời tại Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Nhiều dự án phê duyệt không có căn cứ

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh. Kết luận thanh tra đánh giá công tác quản lý thực hiện quy hoạch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, giúp tăng sản lượng điện, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hàng loạt tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch và phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời.

Cụ thể, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án với tổng công suất 4166 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020; ngoài 14 dự án (870 MW) phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực của 04 tỉnh trước năm 2016, cập nhật sang giai đoạn 2016 – 2020 và 08 dự án (122 MW) đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực của 05 tỉnh như đã nêu trên, số còn lại 92 dự án với tổng công suất 3194 MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư. Trong đó 15/23 tỉnh không quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có trong quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố được lập, phê duyệt. Vì thế Bộ Công Thương phê duyệt 92 dự án với tổng công suất 3194 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020 là không có căn cứ pháp lý quy hoạch (không có quy hoạch).

dien-mat-troi-2.jpg
Nhiều vi phạm trong việc phát triển điện mặt trời được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ

Tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh là 850 MW. Tuy nhiên Bộ Công Thương đã tham mưu, trình chính phủ phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư (23 dự án với tổng công suất 5.200 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020; 31 dự án với tổng công suất 5.321 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2021-2025) trong khi không lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020. Vì vậy việc phê duyệt 54 dự án trên (tổng công suất 10.521 MW) là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra sai phạm khi Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời dưới 50 MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh và trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh mà không phải lập quy hoạch điều chỉnh … để làm căn cứ, cơ sở cho việc quản lý đầu tư theo đúng trình tự quy định, dẫn đến việc phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, không có tính tổng thể, không có cơ sở để quản lý, kiểm soát việc phê duyệt bổ sung, không phù hợp với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ngoài ra, không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, không đảm bảo minh bạch, nguy cơ phát sinh cơ chế xin – cho.

Kết luận thanh tra cũng nêu trong giai đoạn đến năm 2020, có 168 dự án điện mặt trời tổng công suất 14.707 MW/850 MW được phê duyệt (cao gấp 17,3 lần mục tiêu) không có căn cứ pháp lý. Đáng chú ý, Bộ Công thương phê duyệt riêng lẻ 137 dự án với tổng công suất 9366 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020. Đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới đã đầu tư thực tế là 8642 MW, cao gấp 10,2 lần so với công suất đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh là (850W), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4000 MW). Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh (tổng công suất 7.864 MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời đã tăng từ 1,4% lên 23,8%. Ngoài ra còn có 06 dự án /phần dự án (452,62 MW) đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành thương mại.

Hệ thống truyền tải điện không theo kịp

Nguồn điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, tính ổn định thấp, do đó việc đầu tư nhiều điện mặt trời nối lưới, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên có phụ tải thấp, cần phải có phương án truyền tải để giải tỏa công suất nhưng lưới điện chưa được đầu tư kịp thời, đồng bộ dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, cơ cấu nguồn điện, vùng miền … gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành hệ thống điện.

dien-mat-troi-1.jpg
Hệ thống truyền tải điện không theo kịp sự phát triển của điện mặt trời

Các vi phạm nêu trên đã gây ra hậu quả cụ thể, được thể hiện rõ tại Văn bản số 1701/EVN-TTD ngày 02/4/2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi tham gia ý kiến với Bộ Công thương về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong đó thể hiện: Tổng kết kinh nghiệm thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg cho thấy, tổng công suất đặt nguồn điện mặt trời dự kiến vận hành thương mại trước năm 2020 đã ký hợp đồng mua bán điện là 5088 MW vượt xa mục tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW).

Ngoài giá FIT trả cho nhà đầu tư, chi phí hệ thống tăng thêm ít nhất là 5,5 Cents/kWh (trong đó chi phí truyền tải và phân phối đối với nguồn điện mặt trời khoảng 1230 đồng/kWWh, tương đương 5,2 Cents/kWh; chi phí dịch vụ hệ thống liên quan đến nguồn dự phòng do nguồn điện mặt trời tính ổn định thấp khoảng 1,3 Cents/kWh).

Đáng chú ý là không đồng bộ giữa việc bổ sung quy hoạch từng dự án, không có quy hoạch tổng thể và không đồng bộ với lưới điện đi kèm – với tiến độ xây dựng các công trình lưới điện từ 3-5 năm, chậm hơn nhiều so với tiến độ vận hành của điện mặt trời dẫn đến khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện, có khả năng gây quá tải cục bộ và trên diện rộng khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, buộc các nhà máy điện phải giảm phát. Từ tổng kết kinh nghiệm thực hiện cơ chế giá FIT đến nay, Tập đoàn Điện lực kiến nghị không khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời bằng mọi giá, việc khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời phải đồng bộ với lưới truyền trải và phân phối.

Tại thông báo Kết luận của Văn phòng Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương, các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện các nội dung kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra. Kết quả thực hiện gửi Thanh tra Chính phủ trong tháng 3/2024 để theo dõi, tổng hợp chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt vi phạm trong phát triển điện mặt trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO