Thanh tra Bộ TN&MT vào cuộc vụ người dân “tố” nhiều cơ sở tẩy nhuộm tại Hà Nam xả thải ra sông Hồng gây ô nhiễm

Việt Linh| 19/01/2021 21:43

(TN&MT) - Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản số 26/TTr-P2 gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc xử lý thông tin Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh thời gian qua người dân xã Phú Phúc và xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) liên tục phản ánh về tình trạng các cơ sở trên địa bàn xả nước thải từ quá trình tẩy, nhuộm ra sông Hồng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Văn bản nêu rõ ngày 16/1/2021, Báo Tài nguyên và Môi trường có đăng bài với tiêu đề: “Người dân “tố” nhiều cơ sở tẩy nhuộm xả thải ra sông Hồng gây ô nhiễm” phản ánh thời gian qua, người dân tại xã Phú Phúc và xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân liên tục phản ánh về tình trạng các cơ sở trên địa bàn xả nước thải từ quá trình tẩy, nhuộm ra sông Hồng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hà Nam báo cáo sau phản ánh của Báo Tài nguyên và Môi trường.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hà Nam báo cáo công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và tài nguyên nước đối với cơ sở tẩy nhuộm được phản ánh nêu trên và gửi về Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 27/1/2021 để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

Trước đó, theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay, nước thải công nghiệp tẩy, nhuộm xã Phú Phúc và xã Hòa Hậu (tỉnh Hà Nam) chưa qua xử lý được xả thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các cơ sở xả khói ra môi trường.

Ông N.T.H (người dân xã Phú Phúc) bức xúc cho biết, đường ống xả thải của khu tẩy, nhuộm tập trung làng nghề tại xã Hòa Hậu dài khoảng 500m, được đặt ngầm dưới đất, nối từ phía các cơ sở sản xuất rồi chảy ra sông Hồng.

Một số người dân tại đây cũng cho biết, có thời gian nước tại sồng Hồng lên cao nên đã kéo theo nước thải ô nhiễm tràn vào khu vực canh tác của người dân, dẫn đến hư hỏng hoa màu, đất đai bị ô nhiễm. Ngay sau đó có một cơ sở tại đây bị kiểm tra và xử phạt. Thấy bị xử phạt, các cơ sở khác ở đây đã tiến hành xả thải vào ban đêm để tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, việc xả khói đen kịt cả bầu trời thì vẫn diễn ra hằng ngày.

Từ những ghi nhận thực tế và từ phản ánh của người dân, trao đổi với ông Trần Hữu Thao – Chủ tịch UBND xã Hoà Hậu cho biết, tại khu tẩy nhuộm tập trung làng nghề xã Hoà Hậu hiện có 15 cơ sở đang sản xuất kinh doanh tẩy nhuộm bông vải sợi.

15 cơ sở hoạt động tẩy nhuộm nhiều năm nhưng chưa có ĐTM

“Đúng là trước đây người ta có xả thải ngay cạnh nhà máy xử lý nước Mỹ Lộc, nơi đang xử lý nước để cấp cho người dân tại Nam Định. Nhưng sau đó nước sông Hồng lên cao, tràn qua đất, hoa màu của người dân gây ô nhiễm khiến người dân phản đối và đã lấp cống xả thải. Hiện tại người ta đã chuyển đường ống xả ra cách khu vực trước đó một đoạn”, ông Thao cho biết.

Theo đó, 15 cơ sở sản xuất tẩy, nhuộm tại đây gồm hộ các ông, bà: Trần thị Thi, Trần Thị Thao, Trần Thị Nga, Trần Duy Tiến, Trần Thị Thuỷ, Trần Duy Cảnh, Trần Hữu Điền, Trần Văn Thế, Trần Đắc Tùng, Trần Bá Toản, Trần Hữu Sự, Trần Khắc Kiên, Trần Ngọc Tranh, Trần Xuân Đức, Trần Duy Bình.

Từ sự việc trên, trao đổi với ông Lê Văn Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam), ông Hưng cho biết, dù đã hoạt động nhiều năm nhưng đến thời điểm hiện tại, cả 15 cơ sở kinh doanh, sản xuất tẩy nhuộm bông vải sợi này đều chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ông Lê Văn Hưng cũng cho biết, UBND tỉnh Hà Nam đã ra nhiều quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với các cơ sở tẩy nhuộm nói trên đồng thời chỉ ra các sai phạm gồm: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tẩy nhuộm bông vải sợi phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính: Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định. Quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 115/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường.

Hậu quả do hành vi vi phạm hành chính của các cơ sở tẩy nhuộm gây ra là hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không có các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường, không có các biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo quy định.

Tại quyết định cũng nêu rõ, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành quyết định.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, hộ kinh doanh của các ông, bà: Trần Thị Thi, Trần Thị Thao, Trần Thị Nga, Trần Duy Tiến trước đó đã bị UBND tỉnh Hà Nam xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền mỗi hộ là 80 triệu đồng với các hành vi: Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; Không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; Không bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Riêng hộ ông Trần Duy Tiến còn bị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Nhân cùng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam đề nghị UBND tỉnh Hà Nam và UBND huyện Lý Nhân ra 2 quyết định xử phạt với tổng giá trị xử phạt là 150 triệu đồng.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra Bộ TN&MT vào cuộc vụ người dân “tố” nhiều cơ sở tẩy nhuộm tại Hà Nam xả thải ra sông Hồng gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO