Bản Giáng, xã Chiềng Đen có 88 hộ, hơn 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Theo báo cáo của UBND xã Chiềng Đen, tình trạng nước ngập úng tại bản Giáng xuất hiện từ năm 2020, tuy nhiên năm 2022 do mưa nhiều, mực nước dâng cao làm ngập úng 14 hộ gia đình trong bản, nhiều hộ ở các khu vực cao cũng bị nước tràn vào nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con.
Đã nhiều ngày nay, do đường vào nhà bị nước dâng cao gây ngập gần 1m, anh Quàng Văn Quý phải làm cầu tạm bằng tre để tiện di chuyển. Sinh sống ở bản từ nhỏ, theo anh Quý, đây là lần thứ 3 xảy ra tình trạng ngập úng, nhưng so với 2 lần trước, lần này ngập sâu hơn. Vì nước dâng cao vào ban đêm, nên đàn gia cầm của gia đình không kịp di chuyển đã bị chết hết.
Ở cao hơn nhà anh Quý, gia đình bà Quàng Thị Hặc cũng bị nước dâng cao, ngập vào nhà từ 3 ngày nay. Trước đây, chỉ khu vực bên dưới bản bị ngập, đây là lần đầu tiên gia đình bà bị ngập úng. Toàn bộ đồ đạc ở tầng 1 phải di chuyển lên tầng 2, tuy không thiệt hại về tài sản, nhưng sinh hoạt của gia đình rất khó khăn, rồi nỗi lo về ô nhiễm môi trường, nguồn nước khi không biết ngập úng kéo dài đến bao giờ.
Ông Lù Văn Hải, Trưởng bản Giáng cho biết: Qua rà soát, tổng hợp bản có gần 20 hộ bị ảnh hưởng ngập úng trong đợt này. Nhiều hộ phải đi bè tre vào nhà, dùng bè chở thức ăn cho trâu, bò. Về hoa màu, thống kê sơ bộ có khoảng 2 ha cà phê đang chuẩn bị thu hoạch bị ngập trong nước.
Để tạm thời khắc phục tình trạng ngập úng, bản đã tuyên truyền, vận động các hộ di chuyển đàn vật nuôi lên nơi cao an toàn, thu dọn đồ đạc, phân công, cử người theo dõi mực nước, nếu thấy nước dâng cao, sớm cảnh báo để người dân sơ tán. Trước mắt, những vật dụng có giá trị như: Xe máy, ti vi, tủ lạnh vận chuyển lên gửi nhờ những gia đình ở trên cao; người dân tạm thời ngủ nhờ nhà người thân hoặc các hộ không bị ngập nước.
Theo người dân bản Giáng, nguyên nhân gây ngập úng là do hang cát tơ phía cuối bản bị tắc, cộng thêm mưa lớn kéo dài, nước không thoát được. Đây không phải là lần đầu tiên bản xảy ra ngập úng, song lần này ngập úng xảy ra trên diện rộng hơn và mực nước dâng cao hơn các năm 2020, 2021. Trước đây, mỗi lần xảy ra tình trạng ngập úng, cũng kéo dài vài tháng nước mới rút, nhiều hộ phải di chuyển đàn vật nuôi lên ở chuồng tạm, chặt tre làm cầu, làm bè di chuyển qua vùng ngập úng.
Để tìm giải pháp thoát ngập khu vực này, Đoàn kiểm tra của UBND thành phố Sơn La đã khảo sát thực tế tình hình ngập úng, kiểm tra một số vị trí điểm thoát nước tại bản Giáng, đồng thời, tham khảo ý kiến của cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Đen, Ban quản lý bản và nhân dân sở tại.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Phương đã giao các phòng, ban chức năng của Thành phố, UBND xã Chiềng Đen thống nhất phương án xử lý. Trước mắt để bảo đảm an toàn cho nhân dân, giao cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Đen thành lập tổ công tác tập trung tuyên truyền, vận động các hộ trong khu vực ngập úng, di chuyển gia súc, gia cầm đến vị trí an toàn, di chuyển đồ đạc đến ở nhờ gia đình anh em, họ hàng; khuyến cáo không để con em đi lại, câu cá ở các khu vực ngập úng. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng trong thời gian khắc phục.
Về lâu dài, UBND Thành phố giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng Thành phố mời các chuyên gia vào khảo sát, tư vấn, thiết kế phương án khả thi nhất, sớm báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND thành phố. Trên cơ sở đó, trình xin chủ trương, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy theo phương châm “Tiết kiệm, hiệu quả, an toàn tài sản, tính mạng của người dân”.