Thành phố mới Bình Dương: Ai “bật đèn xanh” cho việc cấp phép xây dựng tạm trái luật?

19/08/2014 00:00

(TN&MT) - Khu dân cư Chánh Phú Hòa do Becamex làm chủ đầu tư, dù chưa lập và chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng vẫn được cấp phép xây dựng tạm...

   
(TN&MT) - Thời gian gần đây, công luận xôn xao về vụ việc hàng trăm giấy phép xây dựng tạm đã được UBND TP Thủ Dầu Một cấp cho những người dân mua đất trong Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương (còn gọi là Thành phố mới Bình Dương) một cách trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị  và Luật Nhà ở.
   
  Cụ thể, nếu đối chiếu theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012 của Chính phủ, về cấp phép xây dựng và Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng, hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thì tất cả những trường hợp  mà UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy phép xây dựng tạm trong một số dự án khu dân cư thuộc Thành phố mới Bình Dương đều không đúng đối tượng.
   
Khu dân cư của Becamex IDC được cấp phép xây dựng tạm trong Thành phố mới Bình Dương,
không đúng quy định của pháp luật.
    
   
“Xé rào” pháp luật vì “lợi ích nhóm”?
   
  Câu hỏi dư luận đặt ra là: Tại sao UBND TP Thủ Dầu Một lại dám “làm liều” đến vậy?. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trong Thông báo số 72/TB-UBND ngày 15/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – ông Lê Thanh Cung đã chỉ đạo như sau: “Đối với việc cấp phép xây dựng công trình cho chủ đầu tư thứ cấp trong Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ có hợp đồng nguyên tắc với Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC (Chủ đầu tư cấp 1): Để giải quyết vướng mắc này nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai sớm các dự án phát triển Khu đô thị theo quy hoạch, đồng ý cho phép Sở Xây dựng được ký giấy phép xây dựng tạm. Đến khi Chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng chính thức. Đối với các công trình đã khởi công xây dựng nhưng chưa cấp giấy phép, Sở Xây dựng tạo điều kiện cấp giấy phép tạm để nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ (việc vi phạm này không phải chỉ riêng do nhà đầu tư thứ cấp mà còn có trách nhiệm của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC chưa làm việc cụ thể với một số ngành liên quan của tỉnh để có hướng giải quyết cụ thể)…Đối với các trường hợp xây dựng trong khu tái định cư:…Phần đất còn lại, Công ty “con” của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC chuyển nhượng cho các hộ dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao UBND TP Thủ Dầu Một theo thẩm quyền cấp phép tạm cho dân. Đến khi chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cấp lại giấy phép xây dựng chính thức…”.
   
  Như vậy, rõ ràng là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung đã chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy phép xây dựng tạm trái với các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
   
  Hơn nữa, ngay trong chính Quyết định số 14/2013/QĐ-UB ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành cũng đã quy định hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tạm bắt buộc phải có bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai. Đằng này, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lại cho phép  thay thế bằng “hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” là không đúng với quy định vừa nêu do chính UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành.
   
  Để cụ thể hóa sự chỉ đạo “xé rào” nêu trên, ngày 8/10/2013, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục ban hành Thông báo số 241/TB-UBND, cho phép UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy phép xây dựng tạm…tạo điều kiện cho Becamex IDC và Công ty “con” là Công ty CP Kinh doanh và phát triển Bình Dương (TDC) phân lô, bán nền trái với quy định của pháp luật; trong khi Becamex IDC chưa hề lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu tái định cư trong khu đô thị mới (125,79 ha) thuộc Thành phố mới Bình Dương và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
   
Trong khi chưa có quy hoạch 1/500 được phê duyệt, nhưng khu dân cư này của Becamex IDC vẫn được
cấp giấy phép xây dựng tạm và phân lô, bán nền.
   
   
  Từ những sự “bật đèn xanh” trái luật này, đất nền dự án tại Khu dân cư Chánh Phú Hòa (phường Phú Chánh, TP.Thủ Dầu Một), do doanh nghiệp Nhà nước “con cưng” của tỉnh Bình Dương – Becamex IDC làm chủ đầu tư, dù chưa lập và chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng vẫn được cấp phép xây dựng tạm và được rao bán nhan nhản trên mạng internet với giá thấp nhất 3,4 triệu đồng/m2, cao nhất 7,2 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí…Trong khi đó, mới đây tại Kết luận thanh tra số 1549/KL-TTCP, ngày 4/7/2014 của Thanh tra Chính phủ, đã khẳng định hành vi tự phân lô và chuyển nhượng đất nền, khi chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, tại khu vực Thành phố mới Bình Dương là “không đúng quy định”.
   
 “Làm trái luật, ở tù ai chịu”?
   
  Câu nói này là của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trả lời phỏng vấn của Báo điện tử VTC News, khi phóng viên hỏi về vụ ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, làm đơn tố cáo đích danh ông Lê Thanh Cung gửi tới Thủ tướng Chính phủ, vì lý do ông Cung “ngâm” quy hoạch 1/500 của dự án khu đất ở 61 ha để xây dựng nhà ở cho cán bộ - công nhân làm việc trong KCN Sóng Thần 3, trong suốt 4 năm trời. Trong vụ việc tố cáo này, tỉnh Bình Dương cáo buộc ông Huỳnh Uy Dũng đã “phân lô, bán nền” khu đất ở 61 ha này trái quy định của pháp luật. Trả lời phóng viên, ông Lê Thanh Cung nói: “Do ông Dũng làm không đúng nên tôi có quyền từ chối. Dũng là chủ một doanh nghiệp bình thường lại đề nghị một vị chủ tịch tỉnh làm trái pháp luật thì làm sao tôi trả lời. Tôi chỉ đạo các ngành chức năng là không xem xét giải quyết đối với kiến nghị trái luật. Làm trái luật ở tù ai chịu. Việc hình thành khu dân cư trong khu công nghiệp tập trung, Luật cấm không cho phép, có Bộ trưởng hay Thủ tướng cũng không duyệt được”.
   
  Khi phóng viên hỏi về việc có hay không chuyện tỉnh Bình Dương “ưu ái” cho Becamex IDC hơn các doanh nghiệp khác, dễ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, thì ông Lê Thanh Cung đã khẳng định như “đinh đóng cột” rằng: “…Becamex Bình Dương là một doanh nghiệp Nhà nước, làm theo nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương giao...Những gì tôi làm phải đúng luật, không vì sự quen biết, không cứ lợi ích riêng của doanh nghiệp hay cá nhân người nào đó mà làm trái với quy định của pháp luật gây hậu quả cho Nhà nước và cho nhân dân tỉnh Bình Dương...”.
   
Một trong những giấy phép xây dựng tạm được UBND TP Thủ Dầu Một cấp không đúng quy định của pháp luật, nhưng đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại Thông báo số 72 và 241.
    
   
  Từ những câu trả lời phỏng vấn báo chí nêu trên của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, công luận đã so sánh với những chỉ đạo của chính ông Cung trong Thông báo số 72/TB-UBND, thì thấy trái ngược nhau hoàn toàn. Thực tế, tính đến thời điểm này, việc cấp giấy phép xây dựng tạm theo chỉ đạo của ông Lê Thanh Cung đã được triển khai tràn lan trong Thành phố mới Bình Dương, chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy phức tạp, khó lường, vì việc làm này hoàn toàn trái với quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở. Được biết, theo quy định của pháp luật, đến cuối tháng 12/2014, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2014 chỉ còn một thời gian rất ngắn là vài tháng trước khi ông Cung nghỉ hưu (hiện tại, Việt Nam không có tiền lệ kéo dài tuổi hưu cho những trường hợp cán bộ cấp chủ tịch tỉnh, thứ trưởng), thì không rõ việc giải quyết hậu quả của chỉ đạo cấp phép xây dựng tạm trái luật này sẽ được tỉnh Bình Dương tính toán như thế nào?.  
   
  Bài & ảnh: Hoàng Hưng – Việt Đức – Tú Nguyễn
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố mới Bình Dương: Ai “bật đèn xanh” cho việc cấp phép xây dựng tạm trái luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO