Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ngày 2/4/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 131/GP-UBND cho Công ty TNHH Châu Quý; Trữ lượng khai thác 206.960 m3 (trong đó đá Spilit làm vật liệu xây dựng thông thường là 198.680 m3, đá khối tận thu làm đá ốp lát là 8.280 m3. Đến ngày 7/12/2015, UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 480/GP-UBND cho HTX công nghiệp Tân Sơn (nay chuyển nhượng cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Nam Sơn Dũng) để sản xuất đá VLXD thông thường và tận thu đá ốp lát.
Ngày 3/11/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 404/GP-UBND HTX Công nghiệp Đông Đình để sản xuất đá VLXD thông thường và tận thu đá ốp lát. Tiếp đó, ngày 3/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 109/GP-UBND cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hiền cũng để sản xuật đá VLXD thông thường và tận thu đá ốp lát
Toàn bộ các mỏ trên được UBND tỉnh cấp phép là đá Spilit làm vật liệu sản xuất thông thường và đá khối để xẻ được xác định vị trí, ranh giới theo trích lục bản đồ số 679/TLBĐ, 145/TLBĐ, 133/TLBĐ, 315/TLBĐ do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất- Sở Tài nguyên và Môi trường lập ngày 14/10/2015 tại đồi Chăn, xã Hà Tân, huyện Hà Trung.
Điều đáng nói ở đây, toàn bộ các Giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Thanh Hóa đều căn cứ theo Luật Khoáng sản và Nghị định số 15/2012 ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản. Trong khi đá Spilit là nguyên liệu đá để xẻ làm đá ốp lát không nằm trong danh mục thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh theo Điều 82, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: UBND cấp tỉnh chỉ được phép cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản thông thường như: than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố.
Diện tích khai thác của các Doanh nghiệp lên đến 195.878 m2 ( khoảng gần 20 ha) nằm tập trung tại đồi Chăn, có độ cao từ Cos +10m đến + 40m. Với tổng trữ lượng địa chất là 3.387.138 m3 đá Spilit ( trong đó đá khối tận thu làm đá ốp lát là 226.096 m3) thời gian khai thác của các mỏ đá từ 20- 30 năm
Có lẽ nhận thấy việc cấp Giấy phép cho Doanh nghiệp khai thác “đá khối sản xuất đá ốp lát” không đúng với Luật Khoáng sản và Nghị định số 15/2012 ngày 09/3/2012 của Chính phủ. nên từ năm 2018, UBND đã điều chỉnh lại một số Giấy phép khai thác đá. Điển hình, ngày 14/12/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 5026/QĐ-UBND về việc điều chỉnh nội dung trong Giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 480/GP-UBND ngày 7/12/2015. Tại Điều I, Quyết định nêu: “Tại mục a, Điều I Giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 480/GP-UBND ngày 7/12/2015 của UBND tỉnh có nội dung: “đá khối sản xuất đá ốp lát”. Nay điều chỉnh thành: Đá khối để xẻ. Các nội dung khác vẫn giữ nguyên…
Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc UBND tỉnh điều chỉnh Giấy phép từ “đá khối sản xuất đá ốp lát” sang “đá khối để xẻ” là cho đúng với quy định Luật Khoáng sản. Vì Thanh Hóa không được Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường - PV) quy hoạch cấp phép đá xẻ, chỉ quy hoạch đá vật liệu xây dựng thông thường và tận dụng làm đá xẻ nhằm nâng cao giá trị khai thác. Còn việc tính thuế thì ngành thuế sẽ tính theo công suất khai thác của từng loại đá, không có chuyện thất thu thuế.
Điều 82. Thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. |
Kỳ sau: Cần tính lại trữ lượng khai thác đá khối để tránh thất thu thuế