Thanh Hóa: Thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Hoàng Anh| 22/01/2021 13:19

(TN&MT) - Những năm qua, với mục tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp, mô hình có tính sáng tạo, hiệu quả, vừa đem lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần cải thiện môi trường.

Theo đó, mô hình trồng rau thủy canh tại thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) nổi lên như một điểm sáng trong công nghệ trồng sau sạch, giúp bảo vệ môi trường. Ưu điểm của phương pháp này là hệ thống giàn thủy canh cách mặt đất 80cm, nên hạn chế tối đa các mềm bệnh, sinh vật gây hại đến cây trồng. Trong khi đó, cây trồng sẽ được cung cấp dinh dưỡng từ bể dinh dưỡng thông qua máy bơm 2 chiều chảy qua hệ thống ống dẫn. Do vậy, phương pháp thủy canh không phải sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc BVTV, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm đến môi trường đất và nước ngầm.

Phương pháp trồng rau thủy canh độc đáo tại huyện Đông Sơn (Thanh Hóa)

Bên cạnh phương pháp trồng sau thủy canh hiện đại, mô hình nhà màng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được bà con nông dân ở thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa) áp dụng rất thành công. Hộ gia đình anh Lê Văn Dũng (Tiểu khu 5, TT. Thiệu Hóa) đã đầu tư, xây lắp 2 nhà màng dạng mái vòm hiện đại với tổng diện tích 1.800 m².

Việc chăm sóc cây trồng trong môi trường khép kín giúp hạn chế tối đa các tác động từ môi trường bên ngoài như nắng hạn, gió bão. Hơn nữa, các loại côn trùng, sâu bệnh không có “cơ hội” tiếp xúc đến cây trồng nên việc sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ sâu là hoàn toàn không cần thiết, tiết kiệm được khá nhiều chi phí, đảm bảo thực phẩm sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể nhà màng được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ Isreal, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây theo định sẵn, tiết kiệm đáng kể nguồn nước.

Mô hình nhà màng công nghệ cao đang được rất nhiều bà con nông dân tại Thanh Hóa áp dụng do hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo môi trường

Trong nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Tuy nhiên, anh Nguyễn Đình Tuấn tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) đã tận dụng phân thải từ trâu, bò, lợn để nuôi giun quế, đem lại những kết quả tích cực cả về kinh tế lẫn môi trường.

Tại trang trại rộng hơn 1 hecta của anh Tuấn, giun quế trở thành một “mắt xích” quan trọng trong quá trình chăn nuôi, quay vòng thức ăn. Theo đó, thức ăn chủ yếu của giun quế là phân động vật và các loại rác hữu cơ hoại mục. 1 tấn giun quế có thể tiêu hủy được khoảng 80 tấn rác thải hữu cơ hoặc 50 tấn phân động vật, giúp giảm đáng kể lượng chất thải trong chăn nuôi ra môi trường. Ngoài ra, giun quế sống trong đất còn giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, phân giun phế góp phần giảm bớt lượng phân hóa học, giúp cây cối phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh hại, giúp nông dân giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, giữ môi trường trong lành.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi giun quế làm giảm đáng kể lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường

Ngoài các phương pháp, mô hình hiệu quả đã được đông đảo người dân áp dụng và nhân rộng, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, yêu cầu các địa phương xây dựng gần 20.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV; hỗ trợ xây dựng nhiều công trình khí sinh học, triển khai ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thực hiện mô hình nhà lưới, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong vấn đề phát triển nông nghiệp gắn liền với công tác bảo vệ môi trường

Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc “4 đúng” là đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc và đúng cách để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đối với môi trường; khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Hướng dẫn bà con nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, như: Nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học; sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas, ... nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO