Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn tình trạng các phương tiện thủy nội địa không đăng kiểm, đăng ký nhưng vẫn tham gia hoạt động, đặc biệt là tham gia vận chuyển cát, sỏi gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy, tiềm ẩn nguy cơ tại nạn cao trong quá trình hoạt động, gây bức xúc trong nhân dân. Các phương tiện này phần lớn khi đóng mới đều không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật theo quy định hoặc được mua đi, bán lại bằng hình thức trao tay, không có giấy tờ mua bán được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 19/7/2018 về việc tăng cường công tác quản lý phương tiện thủy nội địa.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, công tác đăng kiểm, đăng ký vẫn gặp nhiều khó khăn, đến nay đã phát 369 bộ hồ sơ thiết kế, kiểm tra thông số cho 302 phương tiện, cấp hồ sơ đăng kiểm cho 223 phương tiện, cấp đăng ký cho 15/369 phương tiện. Nguyên nhân là do một số chủ phương tiện chưa chủ động hợp tác để đưa phương tiện vào kiểm tra, làm thủ tục đăng kiểm. Các phương tiện đã được cấp hồ sơ đăng kiểm nhưng chưa làm được thủ tục đăng ký do không nộp được lệ phí trước bạ vì thiếu cơ sở để xác định giá trị tài sản nộp thuế.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành và đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai công tác quản lý nhà nước về các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn, công tác đăng kiểm, đăng ký các tàu thuyền để kiểm soát được hành vi khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép.
Giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các tuyến sông, kênh; các bãi tập kết vật liệu xây dựng như cát, sỏi…Xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện vi phạm không đăng kiểm, đăng ký nhưng vẫn tham gia vận chuyển và khai thác cát, sỏi, thông báo cho Sở TN&MT để báo cáo UBND tỉnh đình chỉ khai thác hoặc thu hồi giấy phép đối với những đơn vị cố tình vi phạm về đăng ký và đăng kiểm.
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các chủ phương tiện hiểu và chủ động đưa phương tiện đến làm thủ tục đăng kiểm; hướng dẫn tạo điều kiện cho các chủ phương tiện sửa chữa phương tiện để đưa phương tiện vào đăng kiểm; hoàn thiện các thủ tục, nộp phí đăng kiểm đồng thời cấp thủ tục đăng kiểm cho chủ phương tiện tại địa phương.
Chỉ đạo bộ phận đăng kiểm thủy phối hợp chặt chẽ với chi cục đăng kiểm số 12 và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức đăng kiểm cho phương tiện; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện để phục vụ cho công tác đăng kiểm khi có đề nghị của chủ phương tiện.
Giao cho Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy chủ trì phối hợp với Thanh tra giao thông, công an các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với tàu thuyền không đăng kiểm, đăng ký nhưng vẫn tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, khai thác cát, sỏi.
Giao Sở TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi, bãi tập kết vật liệu phải đăng ký số lượng tàu thuyền sử dụng để khai thác và vận chuyển cát, sỏi; số lượng tàu thuyền này phải được đăng kiểm, đăng ký; kiên quyết xử phạt hoặc đề nghị xử phạt các chủ mỏ cố tình vi phạm.
Đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện chủ động làm việc với Sở Giao thông vận tải để thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký cho phương tiện. Yêu cầu các chủ bãi cát, chủ mỏ cát trên địa bàn không sử dụng các phương tiện không đăng kiểm, đăng ký để khai thác vận chuyển cát, sỏi. Nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm trước pháp luật.