Hiệu quả rõ rệt
Là tỉnh có khối lượng khoáng sản cát sỏi lòng sông với trữ lượng tương đối lớn, tập trung ở các con sông lớn sông Mã, sông Chu và một số sông nhánh như sông Lò, sông Luồng, sông Âm, sông Bưởi, sông Đằn, sông Lạch Bạng… Theo Quy hoạch cát sỏi lòng sông, toàn tỉnh có 117 mỏ, điểm mỏ cát sỏi với trữ lượng khoảng 13,11 triệu m3, là nguồn vật liệu quan trọng phục vụ xây dựng hạ tầng, giao thông, dân dụng trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều Kế hoạch và Quyết định trong quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông... Trong đó, nhấn mạnh Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết khoáng sản cát, sỏi lòng sông; các đơn vị nạo vét có thu hồi cát, sỏi trên địa bàn tỉnh...
Năm 2020 là năm tỉnh siết chặt công tác quản lý cát, sỏi lòng sông. Cụ thể, đoàn kiểm tra do Giám đốc Sở TN&MT thành lập đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh đối với 23 bãi tập kết kinh doanh cát của các doanh nghiệp không có mỏ cát được cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh thu hồi 1 bãi tập kết cát; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đăng kiểm, đăng ký tàu thuyền theo quy định, lắp đặt bảng thông tin công khai, lắp đặt camera giám sát theo quy định.
Tiếp đó, năm 2021 Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT chủ trì đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát đối với 26 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường của 24 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện các tồn tại trong hoạt động khai thác, tập kết cát sỏi lòng sông của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Sở TN&MT thực hiện 17 lượt kiểm tra đột xuất để xác minh các thông tin phản ánh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản tại địa bàn các huyện có hoạt động cát sỏi như: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa. Qua kết quả kiểm tra, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện tăng cường quản lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp
Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết: Để quản lý, giám sát hiệu quả việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, nhiệm vụ đã được ban hành và tình hình thực tế, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp, cụ thể: Chủ trì, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát được cấp phép trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo để thay thế dần cho cát tự nhiên. Chỉ sử dụng cát tự nhiên dùng cho sản xuất bê tông, xây thô, trát.
UBND các huyện, thành phố đã tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác như: xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về cát, sỏi lòng sông ở khu vực giáp ranh, thành lập các Tổ công tác ra quân trấn áp tội phạm về khoáng sản; phối hợp UBMTTQ cấp huyện thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép; đặc biệt, lắp đặt hệ thống camera theo dõi các tổ chức, cá nhân vận chuyển cát đi tiêu thụ...
Bên cạnh đó, thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản để tăng thu cho ngân sách Nhà nước; Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản 53 mỏ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành, căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện: Gắn trách nhiệm và xử lý người đứng đầu, cấp phó trong cơ quan nhà nước nếu để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn trong các quy định và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; Giao Sở Giao thông vận tải thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm tất cả các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với Công an tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, trấn áp tội phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các chủ phương tiện tàu, thuyền tham gia khai thác, vận chuyển cát trên tuyến thủy nội địa mà không xuất trình được đăng kiểm, đăng ký; Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn triệt để các đối tượng mua, bán, tập kết, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc.
Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc: Phối hợp chặt chẽ với các huyện giáp ranh để chống cát tặc
Trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc được UBND tỉnh cấp phép khai thác 5 mỏ cát. Với tổng diện tích 20,43ha, trữ lượng được duyệt 859.168 m3. Về cơ bản, các mỏ chấp hành theo yêu cầu của giấy phép khai thác, đáp ứng cát xây dựng cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng mất mốc giới khu vực mỏ chưa khôi phục, chưa lắp biển báo, biển chỉ dẫn để nhân dân kiểm tra, giám sát... Thời gian trước vẫn còn tình trạng “cát tặc” hoạt động, chủ yếu vào ban đêm vì địa bàn huyện giáp ranh sông Mã với huyện Cẩm Thủy và Yên Định, lại có nhánh sông Bưởi lên huyện Thạch Thành nên rất khó xử lý.
Thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 95 của UBND tỉnh về Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng Phương án số 433/PA-UBND ngày 23/2/2022 về bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác. Chỉ đạo xã Vĩnh Quang xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép. Đặc biệt, UBND huyện Vĩnh Lộc đã ký Quy chế phối hợp số 01/QCPH-UBND ngày 27/7/2021 trong công tác quản lý cát sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa huyện Vĩnh Lộc, huyện Yên Định và huyện Cẩm Thủy. Tình trạng khai thác các trái phép đến nay đã được hạn chế.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trong thời gian tới, UBND huyện sẽ nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức từ huyện đến xã trong tham mưu quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý tài nguyên khoáng sản, để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Tập trung yêu cầu các chủ mỏ công khai thời gian khai thác, sản lượng khai thác, số phương tiện, biển báo, mốc mỏ để nhân dân tham gia giám sát.
Ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cát, sỏi
Hiện nay trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có 11 mỏ cát đang hoạt động và 3 mỏ cát đã dừng khai thác, đóng của mỏ nằm dọc trên sông Mã và sông Chu, với trữ lượng khai thác 3,86 triệu m3. Công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từng bước công tác quản lý vào nền nếp, có trách nhiệm, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 14/2/2020 của Chính phủ về siết chặt hoạt động khai thác, kinh doanh cát để bảo vệ bờ, bãi sông và Kế hoạch số 95 của UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, như Chỉ thị 08-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy; Công điện 01/CĐ-UBND; Công văn số 1384/UBND-TNMT… nhằm siết chặt quản lý cát, sỏi lòng sông.
Đặc biệt ngày 19/7/2021, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-UBND phê duyệt Phương án bảo vệ cát, sỏi dòng sông. Theo đó, Phương án đã thông tin các khu vực hoạt động khoáng sản; khu vực kết thúc khai thác, đóng cửa mỏ; khu vực cấm, tạm cấm hoạt động. Thông tin về quy hoạch thăm dò, khai thác; quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước phải có trách nhiệm quản lý việc khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi. Phối hợp với huyện Yên Định trong quản lý; thành lập Tổ công tác liên ngành hoạt động 24/24h để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép; đầu tư lắp đặt hệ thống Camera hồng ngoại tại các mỏ để giám sát việc khai thác cát, sỏi…
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân: Thường xuyên kiểm tra số lượng tàu thuyền khai thác cát
Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng, công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp - môi trường; Công an xã, thị trấn; Trưởng các thôn, khu phố tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm, có biện pháp ngăn chặn việc khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn thuộc quyền quản lý.
Thường xuyên, kiểm tra, rà soát số lượng tàu thuyền khai thác cát, sỏi dọc tuyến sông Chu trên địa bàn huyện; kịp thời xử lý và không cho phép các phương tiện thủy nội địa chưa đăng ký, đăng kiểm hoạt động. Thực hiện khắc phục các điểm khai thác cát gây sạt lở dọc bờ sông Chu, đóng cọc tre, ván cờ, cắm biển cảnh cáo nguy hiểm tại vị trí sạt lở.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 1285/QĐ- UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; và Công văn số 76/UBND-TNMT ngày 10/01/2022 của UBND huyện về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý hoạt động tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện.