Từ ngày 27/4 đến ngày 17/8/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 184 ca mắc Covid-19 tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, các địa phương có số ca mắc lớn, là: Nông Cống 42 ca, Thọ Xuân và Như Xuân mỗi nơi 13 ca, Ngọc Lặc và Vĩnh Lộc mỗi nơi 11 ca, thị xã Nghi Sơn 10 ca…
“Chống dịch như chống giặc”
Để thực hiện công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về việc triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “một đường đi, hai điểm dừng”;
Tỉnh cũng hướng dẫn và yêu cầu người lao động cam kết thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên đường đi, về, tại nơi ở, nơi lưu trú và tại nơi làm việc; đề nghị các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bố trí sắp xếp hoạt động sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.
Tỉnh Thanh Hóa đã chi hỗ trợ hơn 51 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 |
Thanh Hóa cũng đã thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn với người điều trị Covid-19 (F0);
Đồng thời hỗ trợ 1 lần với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, hoạ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và chính sách đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa kêu gọi toàn tỉnh quyết tâm chống dịch Covid-19 trong tình hình mới |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá và triển khai những nhiệm vụ cấp bách về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng bày tỏ: Mặc dù là địa bàn có nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rất cao, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tích cực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”; Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ các biện pháp để vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát tốt, các ca bệnh xâm nhập đều được giám sát, phát hiện sớm, chạy đua với thời gian, hạn chế tối đa các trường hợp F1, F2, không để lây lan ra diện rộng, bảo đảm an toàn về sức khỏe và tính mạng cho Nhân dân, giúp cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra an toàn trong điều kiện có thể.
Phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái”
Không chỉ làm tốt công tác phòng, chống dịch tại địa bàn, với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dành những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình, tích cực hưởng ứng tham gia ủng hộ bằng tiền và hiện vật. Cụ thể, theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 17/8 đã có 776 tập thể, cá nhân ủng hộ, với tổng số tiền và hàng trị giá hơn 68 tỷ 568 triệu đồng (trong đó, tiền mặt hơn 66 tỷ 288 triệu đồng và hàng hóa gồm: 3,5 triệu khẩu trang, 100 giường tầng, 5 tạ gạo, 309 thùng nước ngọt, 1.000 kít xét nghiệm, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid -19, trị giá 2 tỷ 280 triệu đồng).
Tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường 226 cán bộ, nhân viên y tế đến các tỉnh, thành phố phía Nam để phòng, chống dịch Covid-19 |
Tỉnh Thanh Hóa đã chi hỗ trợ 51 tỷ 535 triệu đồng. Cụ thể: Hỗ trợ các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Dương, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, mỗi thành phố 2 tỷ đồng. Chuyển kinh phí cho Ban Chỉ đạo tỉnh: 35 tỷ đồng; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong tỉnh: 360 triệu đồng; hỗ trợ viên chức y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh 1 tỷ 90 triệu đồng (2 đợt), chuyển cho Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hỗ trợ bà con đồng hương 5 tỷ đồng. Thanh Hóa đã tiến hành 03 đợt tăng cường 226 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các cơ sở y tế công lập và tư nhân cho các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Các đoàn thể gửi tặng cơm miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Thanh Hóa |
Để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện thật tốt phương châm “hai chống, ba xây”. Trong đó “hai chống” là “Chống tư tưởng chủ quan, lơ là, thỏa mãn và chống xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào cộng đồng”;
Ba xây” là “Xây dựng kế hoạch cho tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn để không bị động; xây dựng kế hoạch để không khủng hoảng về an sinh xã hội và xây dựng kế hoạch để tuyên truyền, vận động Nhân dân thích ứng với những biến đổi của tình hình dịch bệnh trong tình hình mới”.
Thanh Hóa xác định, “Mỗi người dân phải là một chiến sĩ; mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”, thực hiện thành công “Mục tiêu kép”, vừa chiến thắng đại dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
|