Xã hội

Thanh Hóa: Nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng đời sống người dân

Thu Thủy 20/02/2024 - 14:39

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cá nhân, tập thể vận dụng đa dạng các mô hình phát triển kinh tế mang tính đột phát, bền vững, góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo khu vực miền núi.

Chị Vũ Thị Thắm xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành là một trong các hộ tiên phong trồng cây ăn quả thoát nghèo chia sẻ: Trước đây, hai vợ chồng trồng mía như bao hộ khác nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau vài vụ mía lấy công làm lãi vẫn không đủ ăn và chi phí cho cuộc sống, chị bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ người quen và quyết định chuyển hướng, vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả.

Chị Thắm được các cấp Hội Nông dân hỗ trợ kinh phí để tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và thực hiện mô hình trồng gần 1.000 gốc cam, dưa, thanh long. Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả, cho quả ngọt và năng suất cao. Trừ chi phí, mô hình cây ăn quả của gia đình chị Thắm đã mang lại thu nhập khoảng 350 triệu đồng/ha. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Thắm còn rất năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương và luôn sẵn sàng chia sẻ cách làm hay với những hộ nông dân khác trong vùng.

z5174437304372_4c98ef9027314d814c14340c80686823.jpg
Nhiều mô hình phát triển kinh tế tại tỉnh Thanh Hóa

Chị Vũ Thị Thắm cho biết, lúc mới đưa cây cam vào trồng thử, gia đình chị chưa có kinh nghiệm nên đã gặp không ít khó khăn. Chị đã cùng chồng đi khắp nơi học hỏi thực tế, tìm hiểu thêm qua sách báo về kiến thức trồng trọt, quyết tâm "ăn cùng cam, ngủ cùng cam". Do chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình chị đang có ý định thuê đất đồi, mở rộng diện tích trồng cam và các loại cây ăn quả khác với mong muốn sẽ tiếp tục có những vụ mùa bội thu.

Cựu chiến binh Lê Văn Bình sinh năm 1964, ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung xin nhận thầu hơn 60ha rừng để trồng các loại cây có giá trị kinh tế như cây keo lá tràm, cây mít, bưởi, dừa. Đồng thời, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm, góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể, Với sự quan tâm, tạo điều kiện của của chính quyền địa phương và khả năng sử dụng đất hợp lý, đời sống kinh tế của gia đình ông đã được cải thiện, thu nhập bình quân khoảng 300-400 triệu/năm. Cũng nhờ vào khoản thu nhập này, cuộc sống của ông đã dần ổn định, gia đình đã có ngôi nhà khang trang, con cái có điều kiện học tập tốt nhất. Nhưng đối với cựu chiến binh Lê Văn Bình, thành quả của mô hình kinh tế rừng mà ông tự hào nhất là giúp địa phương che phủ đất trọc đồi hoang bằng một cánh rừng xanh mướt mát, giữ gìn hệ sinh thái thiên nhiên, cùng với đó là tạo công ăn việc làm cho 40 - 45 lao động địa phương với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

20230919_102004.jpg
Cựu chiến binh Lê Văn Bình với mô hình trồng rừng phát triển kinh tế

Bên cạnh đó, từ năm 2020, UBND xã Na Mèo (huyện Quan Sơn) đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển thuộc Chương trình 30a và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135. Tiến hành triển khai xây dựng mô hình trồng vầu tại 2 bản Son và Ché Lầu. Đây là một chương trình dự án do UBND xã Na Mèo làm chủ đầu tư, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình tổ chức lao động sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Các hộ gia đình tham gia dự án là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, được hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện dự án như: Tập huấn kỹ thuật thâm canh cây vầu và hỗ trợ giống cây trồng. Tại bản Son có 13 hộ gia đình tham gia dự án, tạo thêm việc làm cho hơn 30 lao động với tổng diện tích rừng trồng là 34,6388 ha. Tại bản Ché Lầu có 23 hộ gia đình với hơn 80 lao động tham gia dự án trên diện tích là 90,3615 ha rừng trồng. Trong quá trình triển khai, 100% hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của 2 bản đã hăng hái tự nguyện tham gia, thực hiện nghiêm túc các điều kiện của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình dự án, đầu tư chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, duy trì phát triển và nhân rộng mô hình.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo điều kiện để người dân ở các vùng nghèo tỉnh Thanh Hóa tiếp cận với các dịch vụ cơ bản; giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như đường giao thông, cầu, trường học, bệnh viện...

Đến nay, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của tỉnh Thanh Hóa đã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, miền núi. Toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 63 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 21,8 tỷ đồng. Xác định hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững, các cấp, các ngành, các địa phương hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất cho 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu; giải ngân 4.519,6 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội (đạt 100% kế hoạch) giúp cho 71,48 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, bình quân 63,2 triệu đồng/hộ...

Những kết quả đạt được đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025) của tỉnh Thanh Hóa giảm 1,79%, từ 6,77% xuống còn 4,99% (tương ứng giảm 17.791 hộ, từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng đời sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO