Thanh Hóa: Những Dự án Xanh ứng phó với biến đổi khí hậu

Thu Thủy| 21/12/2021 12:16

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Những rủi ro này đã và đang tác động đến kinh tế - xã hội, vì vậy nhiều giải pháp ưu tiên đã được tỉnh Thanh Hóa chủ động thực hiện, gấp rút triển khai.

Nỗi lo xâm thực

Thanh Hóa có chiều dài bờ biển 102km, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các cơn bão nhiệt đới và hiện tượng nước biển dâng. “Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam” của Bộ TN&MT nhận định: Khi nước biển dâng 100cm thì Thanh Hóa có thể bị ngập 1,43% diện tích đất.

Là một trong những địa phương điển hình của tỉnh Thanh Hóa về tình trạng xâm thực mạnh, 3 năm trước, trong dịp khảo sát dọc 5,2km bờ biển tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, đoàn khảo sát đã chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Thời điểm đó, chính quyền địa phương cùng người dân đều lo ngại trước tình trạng BĐKH diễn ra rất nhanh và ngày càng nghiêm trọng khi trung bình mỗi năm, biển xâm thực sâu vào diện tích đất của xã từ 15 - 20m. 

Kè bảo vệ hành lang bờ biển nhằm ứng phó với nước biển dâng

Chỉ trong thời gian ngắn, tình trạng xâm thực mạnh đã khiến hơn 50ha rừng phòng hộ ven biển và gần 280ha đất sản xuất của xã Quảng Nham bị cuốn trôi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sinh hoạt của hơn 500 hộ dân trong xã. UBND xã Quảng Nham cũng đã nhiều lần báo cáo cơ quan chức năng.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư Dự án Kè chống sạt lở bờ biển khu vực Quảng Nham. Đây là Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Ngay sau đó, tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung Danh mục Dự án cấp bách thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó BĐKH giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí dự kiến là 125 tỷ đồng, xây dựng một tuyến kè đá chắn sóng dài khoảng 3km cùng các công trình phụ trợ khác. Thời gian thực hiện trong 3 năm (từ năm 2018 - 2020).

Năm 2021, Dự án trên với tổng vốn đầu tư 91,455 tỷ đồng, được tài trợ bởi nguồn vốn ngân sách Trung ương theo Chương trình ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, cùng vốn đối ứng của tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng, bà con vùng ven biển xã Quảng Nham đã an tâm hơn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Nhằm tác động của BĐKH đến tài nguyên nước, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở TN&MT đến năm 2025 phải hoàn thành xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cho các khu vực. Giao Sở NN&PTNT điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất, triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2025 bảo vệ hiệu quả 152.708ha rừng phòng hộ hiện có; trồng mới và chăm sóc 400ha rừng phòng hộ.

Không giấu được sự phấn khởi, bà Nguyễn Thị Xinh chia sẻ: “Nhà tôi cách biển chỉ hơn 100m, thời điểm năm 2018, biển xâm thực vào đất liền rất mạnh. Nhiều hôm thủy triều, sóng to, nước biển đánh vào gần tới cổng nhà, rất nguy hiểm. Khi Dự án kè biển hoàn thành, người dân địa phương hết sức vui mừng và an tâm sinh sống, không còn nỗi lo bị sóng biển đe dọa tới tính mạng và tài sản”.

Chủ động ứng phó

Những năm qua, từ thực trạng thời tiết thay đổi, bão, lũ, hạn hán diễn biến phức tạp; lưu lượng dòng chảy của các sông trong mùa khô thường xuống thấp, cộng với triều cường dâng cao, có nơi nước mặn vào sâu trên 30km; cường độ mưa, bão tăng lên, gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, xói lở bờ biển ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch ứng phó với BĐKH như: Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn 2020 (năm 2011); Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” (năm 2013); Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2017).

Trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn

Cùng với đó, nhiều dự án cũng đã được thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó có Dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam (Dự án GCF).

Sau 4 năm triển khai tại tỉnh Thanh Hóa, Dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp địa phương chống chịu những tác động, ảnh hưởng của BĐKH. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng mới cho 1.153/1.403 căn nhà (đạt 82,1%) cho các hộ nghèo chống, chịu bão, lụt tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nghi Sơn theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; trồng, phục hồi 350/400 ha rừng ngập mặn (đạt 87,5%), trong đó trồng mới 50 ha, trồng bổ sung 300ha; hỗ trợ 7 mô hình sinh kế cho các cộng đồng, hộ dân bị ảnh hưởng từ việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn tại huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.

Năm 2020, Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của 27 đợt thiên tai, làm 1 người chết, 2 người bị thương; giá trị tài sản thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh chịu ảnh hưởng của 19 đợt thiên tai, trong đó có 9 đợt gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất tại các địa phương, làm 1 người chết, 1 người bị thương... giá trị tài sản thiệt hại khoảng 19,6 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 19/4/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Việc này cho thấy tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng về giải pháp, nhiệm vụ trong việc chủ động ứng phó với BĐKH.

UBND tỉnh đã giao các Sở, ngành liên quan chủ động triển khai phương án giảm thiểu tác động của BĐKH đến tài nguyên nước, nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH thông qua các biện pháp cải tạo cơ sở hạ tầng. Phát triển và xây dựng nhà an toàn đối với các khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế xanh, chủ động ứng phó với BĐKH.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Những Dự án Xanh ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO