Đất đai

Thanh Hóa: Nhiều giải pháp để “cải thiện” việc cấp GCNQSDĐ đất

Tuyết Trang 22/07/2023 - 13:21

Mặc dù hiện nay hồ sơ giải quyết cấp Giất chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở Thanh Hóa thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT đạt tới 95,87%, tại các huyện, thị đạt 71,8%. Tuy nhiên, thủ tục hành chính trong cấp GCNQSDĐ vẫn còn chậm; đặc biệt là hồ sơ bị trả lại chưa được giải quyết cho người dân, gây dư luận tiêu cực trong công tác cấp GCNQSDĐ. Vấn đề này đã được lãnh đạo Sở TN&MT giải trình và đưa ra giải pháp khắc phục tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII vừa qua.

Báo cáo của Sở TN&MT Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII cho biết, hiện tại công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu cho tổ chức thuộc thẩm quyền của tỉnh; UBND cấp huyện cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; Sở Tài nguyên và Môi trường cấp đổi, cấp lại, đăng ký biến động cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đạt kết quả tốt. Đối với tổ chức: Tiếp nhận tổng số 256 hồ sơ, trong đó: đã giải quyết là 213 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 10 hồ sơ, số trả lại và xin rút 33 hồ sơ. Đối với hộ gia đình, cá nhân: Tiếp nhận tổng số 325.540 hồ sơ, trong đó: đã giải quyết là 308.885 hồ sơ, đang giải quyết 8.487 hồ sơ; trả lại, rút, chờ bổ sung 8.168 hồ sơ.

anh-1.jpg
Công tác cấp Giấy CNQSDĐ ở Thanh Hóa sẽ được cải thiện

Trong đó, hồ sơ thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai: Tổng số đã tiếp nhận giải quyết là 312.234 hồ sơ, trong đó: đã giải quyết là 299.331 hồ sơ, đạt 95,87%; đang giải quyết 7.448 hồ sơ, chiếm 2,39%; trả lại, rút, chờ bổ sung 5.455 hồ sơ, chiếm 1,75%. Hồ sơ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện tổng số 13.306 hồ sơ, trong đó: đã giải quyết là 9.554 hồ sơ, đạt 71,8%; đang giải quyết 1.039 hồ sơ, chiếm 7,81%; trả lại, rút, chờ bổ sung 2.713 hồ sơ, chiếm 20,39%.

Tuy đã đạt được kết quả hết sức tích cực, song việc thực hiện thủ tục hành chính trong cấp GCN vẫn còn chậm; đặc biệt là hồ sơ bị trả lại hoặc đang chờ bổ sung chưa được giải quyết cho người dân, gây dư luận và phản ánh, kiến nghị về tình trạng chậm trễ, gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong công tác cấp Giấy.

Theo Sở TN&MT Thanh Hóa thì nguyên nhân thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ vẫn chậm, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực là do việc xác định giá đất một số dự án sau khi được UBND tỉnh giao, cho thuê đất chậm; một số dự án trúng đấu giá có sự sai lệch về mốc giới, vị trí, ranh giới giữa hồ sơ và thực địa; chậm quyết toán tiền GPMB, chậm xác định giá trị tiền bồi thường, tiền được trừ vào tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, chậm xác định tiền miễn, giảm, thông báo đơn giá thuê đất và tiền sử dụng đất phải nộp, dẫn đến chậm hoàn thành NVTC để được cấp GCN. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc cấp GCN qua các thời kỳ không có tính ổn định, có những nội dung chưa phù hợp. Khối lượng hồ sơ đăng ký, cấp GCN thời gian qua (đặc biệt 9 tháng đầu năm 2022) tăng đột biến. Nhiều hồ sơ địa chính, hồ sơ đăng ký, cấp GCN trước đây không được thống kê lưu trữ đầy đủ, bị hư hỏng, gây khó khăn trực tiếp đến việc thẩm định hồ sơ, đặc biệt là việc xác định thông tin về thửa đất.

anh-2.jpg
Công tác cấp Giấy CNQSDĐ ở thành phố Thanh Hóa (Ảnh minh họa)

Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp nhận, giải quyết, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ, cung cấp thông tin về quá trình sử dụng đất chưa nhịp nhàng; thiếu sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã. Công tác đo đạc, xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất; xác định nghĩa vụ tài chính để phục vụ cấp GCN còn chậm. Năng lực, trách nhiệm công tác và thái độ phục vụ của một số cán bộ công chức, viên chức còn chưa tốt.

Để xảy ra tình trạng đó, có phần trách nhiệm của Sở TN&MT chậm tham mưu ban hành một số quy định liên quan đến cấp GCN như về điều kiện, diện tích tối thiểu tách thửa đối với các loại đất; chưa quyết liệt, sát sao trong việc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện chức trách nhiệm vụ của các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Công tác tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ chưa đạt hiệu quả cao.

Trách nhiệm của UBND cấp huyện, chưa tập trung rà soát, xử lý dứt điểm những trường hợp cấp GCN lần đầu còn tồn đọng, những trường hợp cấp không đúng diện tích theo thực tế, không đúng đối tượng, không có sơ đồ, ranh giới thửa đất; việc giải quyết cấp GCN lần đầu còn chậm; chưa chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác phối hợp cấp GCN. Chưa quan tâm bố trí kinh phí cho công tác đo đạc bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, cập nhật chỉnh lý, đăng ký biến động đất đai theo Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 19/3/2018 của UBND tỉnh.

Việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ cấp GCNQSDĐ tại cấp xã chưa đúng quy định (không ghi phiếu hẹn, không nộp hồ sơ về Chi nhánh VPĐK trong thời hạn 3 ngày làm việc theo quy định); xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất không chính xác, thời gian kéo dài; chưa kịp thời phối hợp với Chi nhánh VPĐK lập trích đo, đo đạc chỉnh lý thửa đất phục vụ cấp GCNQSDĐ cho người dân.

Để đưa công tác cấp GCNQSDĐ vào nề nếp, quy củ, không gây phiền hà cho người dân và các tổ chức xã hội. Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII, ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp chính thực hiện trong thời gian tới, như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện TTHC của các cơ quan có liên quan trong việc cấp GCN. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, có hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực cho tổ chức, người dân.

Thực hiện công khai minh bạch thành phần hồ sơ, các quy trình, thời gian giải quyết TTHC, đặc biệt là các khoản chi phí phải nộp theo quy định để tổ chức, người dân biết; tránh tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của tổ chức, người dân nhận làm dịch vụ, tư vấn hồ sơ.

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai và đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 251/KL-HĐND ngày 02/6/2022 của Thường trực HĐND tỉnh và Kế hoạch số 182/ KH-UBND ngày 18/7/2022 của UBND tỉnh về công tác cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án “Xây dựng hệ thống bản đồ địa chính, lập hồ sơ và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2028” để thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nhiều giải pháp để “cải thiện” việc cấp GCNQSDĐ đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO