Thanh Hóa- Nghệ An: Hai ngư dân mất tích, tàu thuyền khẩn trương vào bờ tránh trú bão

17/07/2018 17:39

(TN&MT) - Sáng 17/7, sau khi đi vào phía Bắc Biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 3 năm 2018 (tên quốc tế: Son-Tinh). Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã kêu gọi tất cả các phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển nhanh chóng về nơi trú ẩn.

Tại Thanh Hóa, theo tin từ UBND xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Rạng sáng 15/7, tàu cá mang BKS HP90561 của ngư dân tỉnh Thanh Hóa đang trên đường vào khu vực âu thuyền thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh để tránh bão thì gặp nạn.

Hàng nghìn tàu thuyền Nghệ An đã vào bờ để tránh cơn bão số 3
Hàng nghìn tàu thuyền Nghệ An đã vào bờ để tránh cơn bão số 3

Theo đó, khi tàu cá cách âu thuyền Cô Tô khoảng 8 hải lý thì gặp sóng to, gió lớn nên bất ngờ bị chìm, tất cả các ngư dân trên tàu đều rơi xuống biển. Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển đã khẩn trương tiếp cận. Sau nỗ lực cứu hộ, một số thuyền viên đã được đưa lên bờ an toàn.

Riêng 2 người là Tô Văn Hiến (SN 1987), Tô Văn Trương (SN 1994), cùng trú tại xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn đang mất tích.

Mưa lũ diễn ra trong nhiều ngày qua đã khiến cho xã Luận Khê, huyện Thường Xuân cũng cũng đã bị ngập lụt và bị cô lập hoàn toàn

Tại Nghệ An, ngay khi có công điện khẩn của UBND tỉnh Nghệ An về công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3 ảnh hưởng đến các tỉnh từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Quỳnh Lưu phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về bến neo đậu để tránh bão.

Các xã vùng biển như Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Sơn Hải... có phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển đều được liên lạc qua bộ đàm để ngư dân nhanh chóng về bến.

Nguy cơ sạt lở đất ở miền núi do mư lớn kéo dài đang tiềm ẩn
Nguy cơ sạt lở đất ở miền núi do mư lớn kéo dài đang tiềm ẩn

Đến sáng 17/7, toàn huyện Quỳnh Lưu có 1.275 phương tiện tàu thuyền đã về bến neo đậu an toàn, trong đó có 20 tàu neo đậu tại Quảng Bình, 7 tàu tại Bạch Long Vĩ - Quảng Ninh và 2 chiếc tại Quảng Trị. Sau khi về trú bão, các địa phương chỉ đạo bà con ngư dân chằng chống tàu thuyền tránh va đập khi sóng to, gió lớn; đồng thời yêu cầu bà con ngư dân sống gần biển cần chủ động các phương án di dời người dân, chằng chống nhà cửa trước khi cơn bão đổ bộ vào. 

Tại thị xã Hoàng Mai, tính đến sáng ngày 17/7, hơn 900 phương tiện tàu thuyền của ngư dân Hoàng Mai đã về bến Lạch Cờn neo đậu an toàn, trong đó có nhiều tàu neo đậu tại các tỉnh bạn.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Diễn Châu cũng đã phối hợp Đồn biên phòng Diễn Thành và 9 xã ven biển kêu gọi trên 1.400 tàu thuyền đang tham gia đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn. Đồn Biên phòng Diễn Thành canh giữ cửa Lạch không cho tàu ra khơi. Ban chỉ huy phòng chống bão lụt các xã cũng đã hướng dẫn bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.

Đến thời điểm này, gần 700 tàu thuyền của ngư dân huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò cũng đã tìm được nơi tránh, trú bão an toàn; một số phương tiện đang tiếp tục về các vị trí gần nhất để tránh, trũ bão.

Hiện, các địa phương đang tích cực chỉ đạo tuyên truyền tới ngư dân không được ra khơi đánh bắt, chủ động bảo vệ tài sản trên tàu khi có bão đổ bộ.

Được biết, ngay trong cuối giờ chiều ngày 16/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn đề nghị Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc các công ty thuỷ lợi, Thuỷ điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các khẩn cấp các nội dung đối với trên biển, ven bờ và đất liền. Trong đó, ngoài nội dung kêu gọi các tàu thuyền tránh trú bão an toàn thì đối với đất liền, Ban yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ dộng phòng, tránh, đặc biệt là đối với lũ quét, sạt lở đất các huyện miền núi; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để đối phó với mưa, lũ lớn.

Các địa phương, chủ hồ chứa triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du trong trường hợp hồ phải xả lũ hoặc bị sự cố; kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt, có phương án giữ nước để phục vụ sản xuất Hè Thu; Kiểm tra, rà soát, sắn sàng phương án sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ven sông,, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xẩy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa- Nghệ An: Hai ngư dân mất tích, tàu thuyền khẩn trương vào bờ tránh trú bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO