- “Khát” bên những công trình cấp nước tiền tỷ
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, tại khu vực miền núi Thanh Hóa hiện có 598 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 485 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy, phục vụ cho khoảng 73.480 người dân. Bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả, giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho bà con dân tộc, đồng bào thiểu số. Nhiều công trình đang đắp chiếu, bỏ hoang, xuống cấp, không phát huy hiệu quả gây lãng phí ngân sách đầu tư của nhà nước.
Cụ thể như: Bể nước sạch tập trung tại thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành. Thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh được Nhà nước đầu tư các công trình nước sạch bằng các nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia 134. Thế nhưng, hiện tại các công trình này đang trong tình trạng dang dở mọc rêu, chưa được sử dụng. Tổng kinh phí xây dựng gần 1,3 tỷ đồng cho dự án không phải là một con số nhỏ, tuy nhiên các công trình này lại không mang lại hiệu quả sử dụng cho nhân dân.
Theo quan sát, công trình được đầu tư xây dựng bê tông kiên cố, thế nhưng một thực tại là 2/3 công trình này hiện đang bị lấp vùi trong đất núi, cỏ mọc um tùm. Đặc biệt, hệ thống van nước, đường ống dẫn có dấu hiệu hoen gỉ, không phát huy tác dụng. Tại bể chứa số 1, khu bể chứa do bỏ hoang lâu ngày đã trở thành chỗ chứa củi của bà con. Tại bể chứa nước số 2, hệ thống đường ống dẫn nước từ bể nguồn về bị tháo văng ra bỏ ngổn ngang, bể không có nước. Bể chứa số 3 cũng trong tình trạng tương tự, bỏ hoang không sử dụng. Có mặt tại bể chứa số 4, vị trí được đặt ngay trong khu khuôn viên nhà văn hoá thôn Mỹ Đàm. Thế nhưng cũng chung một thực tế là không thể sử dụng được.
Công trình nước sạch ở thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành được đầu tư tiền tỷ cũng chưa được đưa vào sử dụng. |
Công trình cấp nước tập trung thôn Mỹ Đàm được khởi công xây dựng từ khoảng giữa năm 2014 với số tiền lên tới 1,3 tỷ đồng do UBND xã Thành Minh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Thanh Hóa. Dự kiến đến tháng 11/2014 công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ phục vụ nước sạch thường xuyên cho 120 hộ/171 hộ dân trong thôn Mỹ Đàm lâu nay có điều kiện khó khăn về nguồn nước sạch. Tuy nhiên, công trình vừa đưa vào sử dụng đã không phát huy hiệu quả, bỏ hoang lãng phí.
Cũng tương tự như thế, dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nằm trong dự án 134 của Chính phủ hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tại xã Thanh Phong, huyện Như Xuân đã triển khai từ năm 2008 ở thôn Xuân Phong và thôn Quang Hùng, mỗi thôn 2 bể, với tổng kinh phí là 672.281.000 đồng. Đến năm 2011, tiếp tục xây dựng ở thôn Hai Huân thêm 4 bể, kinh phí là 996.696.000 đồng. Hiện tại, sau khi triển khai, những công trình này đang trong tình trạng mọc rêu, ngoại trừ một bể hộ gia đình đang sử dụng, có những bể chưa một lần có nước. Tổng kinh phí xây dựng lên đến gần 1,7 tỷ đồng mà hiệu quả sử dụng gần như bằng con số 0 tròn trĩnh.
Đa phần các công trình nước sinh hoạt tập trung ở các huyện miền núi Thanh Hoá bỏ hoang, cỏ mọc um tùm |
Công trình nước sinh hoạt tự chảy tại bản Na Ấu, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn cũng là một ví dụ điển hình. Nhiều năm qua, công trình này bỏ hoang, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí. Trong khi đó, bà con trong bản đang trông chờ từng ngày có nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt. Công trình được bỏ tiền từ khâu đầu tư, khảo sát, lựa chọn địa điểm... Nhưng vì sao sau khi đưa vào sử dụng lại không phát huy hiệu quả?
Tương tự, công trình nước sinh hoạt tại làng Oi, xã Quang Hiến (Lang Chánh) được xây dựng từ năm 2012 bằng nguồn vốn Chương trình 134, tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình này sẽ giải quyết tốt nhu cầu nước sinh hoạt cho toàn bộ dân làng Oi. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng hoạt động ngắn ngủi, công trình cũng không phát huy hiệu quả do không có nguồn nước.
Nguyên nhân do đâu?
Theo khảo sát của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Sở NN&PTNT, trong tổng số các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy có tới 74% công trình hoạt động không hiệu quả, 24% công trình không hoạt động và chỉ có 5,6% là đang hoạt động. Trong đó, tập trung ở các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh…
Ông Đỗ Doãn Thành – Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Sở NN&PTNT cho biết: Hiện tại nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy hợp vệ sinh cho người dân miền núi ở các huyện hoạt động không hiệu quả và đã ngừng hoạt động. Chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi cao như: Quan Sơn. Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh…
“Nguyên nhân chủ yếu do mất nguồn nước và hư hỏng đường ống vì mưa lũ. Kinh phí sửa chữa tuy không lớn nhưng do tỉnh chưa bố trí ngân sách cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình nên gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm cũng đã nhiều lần tham mưu cho Sở báo cáo UBND tỉnh để bố trí ngân sách cho việc sửa chữa, đưa các công trình hoạt động trở lại tránh thất thoát, lãng phí. Việc sửa chữa kinh phí không lớn, là cần thiết trong khi chi phí xây dựng là rất lớn” – Ông Thành thông tin thêm.
Nhiều hạng mục của các công trình đang xuống cấp, hoen gỉ do lâu ngày không sử dụng |
Bên cạnh đó, về khách quan các công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng đều nằm ở những vị trí địa lý phức tạp, khó khăn, nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức thực hiện và tiến độ công trình; định suất vốn đầu tư thấp và bình quân theo đầu xã nên khó khăn cho việc lựa chọn công trình phù hợp với lượng vốn được giao; các cán bộ phụ trách trong công tác xây dựng các công trình thời kỳ trước đều làm công tác kiêm nhiệm, hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, dẫn đến một số công trình tiến độ thi công chậm; một số nhà thầu thiếu trách nhiệm, để kéo dài thời gian thi công gây ảnh hưởng đến chất lượng các công trình.
Với nguồn vốn đầu tư lớn từ Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng các công trình nước sinh hoạt tập trung ở các huyện miền núi Thanh Hóa đa phần hoạt động không hiệu quả hoặc đã dừng hoạt động, gây thất thoát lãng phí tiền của. Trong khi đó người dân đúng cảnh “khát” bên những công trình nước tiền tỷ!