Mục tiêu của Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định những nhiệm vụ, giải pháp tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH; phòng, tránh và giảm thiểu những hiểm họa do BĐKH đem lại, bảo đảm cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thành xây dựng kế hoạch hành động ứng phó cụ thể với BĐKH của ngành, địa phương mình trên cơ sở “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH của các ngành, các cấp và cộng đồng để ứng phó kịp thời, hiệu quả trước BĐKH. Xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về khí tượng thủy văn và BĐKH, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh.
Chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, chống ngập lụt, xâm nhập mặn |
Giai đoạn 2026-2030 đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, dự án liên quan thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể một cách hiệu quả. Ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tư nhân cho ứng phó với BĐKH.
Tầm nhìn đến năm 2050 các quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực ở cấp tỉnh, cấp huyện được lồng ghép các biện pháp ứng phó với BĐKH thực sự hiệu quả. Mở rộng, tập trung đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh. Có định hướng phát triển mới nhằm xây dựng, củng cố nền kinh tế các-bon thấp có khả năng chống chịu và thích ứng cao với các tác động của BĐKH.
Đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên khoáng sản |
Đối với ngành nông nghiệp, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn, giám sát BĐKH phục vụ việc dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai, các loại hình khí hậu cực đoan. Chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, chống ngập lụt, xâm nhập mặn, củng cố hệ thống đê sông, đê biển và đảm bảo an toàn hồ chứa, các công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Trong quản lý sử dụng tài nguyên đất, phải quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ, phòng chống hoang mạc hóa, sa mạc hóa, thoái hóa đất canh tác nông nghiệp. Xây dựng bộ tiêu chí về sử dụng đất hợp lý, hiệu quả và bền vững làm căn cứ để lập quy hoạch, giám sát, đánh giá việc sử dụng đất trong bối cảnh BĐKH. Quy hoạch sử dụng đất đối với các công trình thủy lợi nhằm mở rộng đất nông nghiệp và đầu tư thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Điều chỉnh quy hoạch đất cho các đô thị, khu vực dân cư ở vùng núi, vùng biển đặc biệt những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ lụt, sạt lở đất và nước biển dâng.
Tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa, sử dụng kịp thời, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả |
Đối với khai thác và bảo vệ tài nguyên nước, khoáng sản phải đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước; phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng công trình thủy lợi tăng khả năng dự báo theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa đáp ứng yêu cầu ứng phó với BĐKH; tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa; sử dụng kịp thời, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả; đặc biệt ở khu vực thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Về bảo vệ môi trường và Đa dạng sinh học cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp, các mỏ khai thác chế biến khoáng sản, các làng nghề, lưu vực sông, các đô thị lớn và khu vực nông thôn; kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực đô thị, thành phố có mật độ dân cư cao. Kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, xử lý chất thải rắn, nước thải, quản lý chất thải nguy hại.
Khu vực ven biển xây dựng hành lang, khu vực kinh tế ven biển. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, các khu trú, tránh trú bão cho tàu thuyền trong tỉnh theo hướng đáp ứng các quy định của Luật Thủy sản. Xây dựng và hoàn thiện các hệ thống đê, kè ven sông, ven biển; bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn đảm bảo an toàn dân cư và sản xuất, các cơ sở hạ tầng khu vực.
Từ đó, UBND tỉnh giao Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh. Tham mưu, giúp UBND tỉnh chỉ đạo điều phối, theo dõi đôn đốc các Sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong Kế hoạch ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân xây dựng chương trình, đề tài, nhiệm vụ, dự án có liên quan đến lĩnh vực BĐKH để thực hiện tốt Kế hoạch ứng phó BĐKH của tỉnh; Tiến hành rà soát lại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trên địa bàn để lồng ghép các nội dung về BĐKH và nước biển dâng vào quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch các bãi rác; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư,... nhằm ứng phó với BĐKH và đảm bảo phát triển bền vững.