Thanh Hóa: Hiệu quả từ những chính sách giảm nghèo bền vững

Tuyết Trang| 03/04/2023 19:41

Trong những năm qua, Thanh Hóa xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững ở khu vực miền núi.

Cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện miền núi đã có những giải pháp tích cực để huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình này. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần tích cực thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, theo đó, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.

anh-1-xa-quang-chieu-ml.jpg
Người dân xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát đón Tết Độc lập

Trong giai đoạn 2020 - 2022, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời, sự tăng lên của giá cả thị trường, giá nguyên, nhiên liệu đã tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; song được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, như: Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX) và các chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; lĩnh vực giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng DTTS&MN được tăng cường; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

anh-2-xay-dung-san-pham-ocop-o-quan-hoa.jpg
Xây dựng sản phẩm OCOP tại Quan Hóa

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi đạt 34,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,99%, vượt 0,29% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,33%, vượt 4,33% kế hoạch.

Đến nay, trên địa bàn 11 huyện miền núi có 58 xã, 635 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu và có 62 sản phẩm OCOP được công nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao; số xã miền núi chưa đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn nhiều nhất cả tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được nâng cao hơn so với giai đoạn trước, vì vậy, nhiều nội dung tiêu chí rất khó khăn để thực hiện ở các xã miền núi, như: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cung cấp nước sạch tập trung; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều..., ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới các năm tiếp theo;

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình đã đề ra, tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp như sau: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về nội dung thực hiện các Chương trình MTQG, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo.

anh-3.jpg
Hệ thống giao thông các xã miền Núi đang dần được hoàn thiện

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG, để tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Triển khai thực hiện hiệu quả 03 Chương trình MTQG, đồng thời gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Tranh thủ tối đa các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khu vực miền núi.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc bảo đảm thường xuyên, liên tục; nắm bắt tình hình thực tế tại các địa phương, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; kịp thời sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm.

Hy vọng rằng các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn đối với các huyện miền núi của tỉnh được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thực hiện thành công, theo đó đến năm 2025 các huyện miền núi của tỉnh sẽ có 109 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 821 thôn, bản miền núi nông thôn mới và 101 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Hiệu quả từ những chính sách giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO