Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng.
Theo Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, biểu trưng du lịch Thanh Hóa mang đầy đủ sắc màu của bốn mùa, từ du lịch biển cho đến du lịch giữa đại ngàn rừng núi miền tây xứ Thanh. Biểu trưng du lịch Thanh Hóa có nhiều màu sắc, như màu xanh lá cây, màu cam, màu đỏ, màu nâu, màu xanh dương. Mỗi màu mang một ý nghĩa khác nhau tượng trưng cho các sản phẩm du lịch theo từng khu vực. Ngoài ra, biểu trưng còn có hình cách điệu mái chèo, cánh diều, cánh sóng, dưa hấu, hòn Trống - Mái, và đặc biệt là di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi và trung du, vùng đồng bằng và vùng ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế với 1 di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là: Di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn; có tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội với 102 km đường bờ biển và nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…
Cùng với đó là nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương, Thắng cảnh Hàm Rồng - Sông Mã và nhiều các lễ hội văn hóa đặc sắc, ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn… Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.
"Trong những năm qua, Thanh Hóa đã tập trung lãnh chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch và đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn hỗ trợ phát triển du lịch đã và đang được triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145.000 tỉ đồng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch như Tập đoàn FLC, VinGroup, Sungroup, Flamingo, BRG, T&T, TNG… đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn tại Thanh Hóa"- ông Tuấn thông tin.
"Lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa, phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến, là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa với quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440 ngàn lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18.000 tỉ đồng trong năm 2022".
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao sự chuẩn bị của Thanh Hóa để mở cửa đón khách du lịch trở lại. Theo ông Việt, Thanh Hóa là tỉnh có vị trí địa lý độc đáo với hệ thống sông ngòi dày đặc, hệ thống di sản văn hóa đặc sắc, hệ thống giao thông thuận lợi, vị trí địa lý tiếp giáp với các trọng điểm du lịch như Ninh Bình, Nghệ An…Với những thuận lợi đó, Thanh Hóa giữ vai trò quan trọng trong kết nối du lịch liên vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả các kế hoạch phục hồi phát triển du lịch trong giai đoạn mới, Thanh Hóa phải chuẩn bị, đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bổ sung nhân lực du lịch; tăng cường liên kết hoạt động truyền thông xúc tiến quảng bá và thu hút khách…