Theo đó, các ngành, địa phương tại Thanh Hóa đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động lực lượng tham gia công tác PCTT và TKCN. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã ký kết hợp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang của Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tham gia công tác PCTT và TKCN với lực lượng huy động gồm 1.100 chiến sỹ. Riêng đối với lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập, củng cố, kiện toàn Đội Xung kích PCTT với 56.618 người tham gia.
Thanh Hóa chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống thiên tai |
Về phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ chứa, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập trước mùa mưa lũ năm 2020. Qua kiểm tra, đã xác định và xây dựng được 34 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều; xác định được 78 hồ chứa không đảm bảo an toàn, trong đó có 5 hồ không được tích nước, 62 hồ chứa chỉ cho phép tích nước một phần để phục vụ sản xuất, 11 hồ tích nước bình thường.
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động các loại phương tiện, thiết bị để phục vụ công tác PCTT và TKCN, gồm: 291 chiếc xe cứu hộ, cứu thương, chữa cháy; 459 chiếc tàu, thuyền, ca nô, xuồng, mô tô nước cứu hộ, cứu nạn; 2.316 chiếc ô tô chở người; 1.582 chiếc ô tô tải; 640 chiếc máy (ủi, xúc); 06 bộ vượt sông nhẹ; 420 nhà bạt cứu sinh; 14.219 phao áo cứu sinh; 13.764 phao tròn cứu sinh; 86 phao bè; 8.475 bộ áo mưa chuyên dùng.
Đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, hồ chưa trước mùa mưa bão |
Về phương án sơ tán dân khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai năm 2020. Theo thống kê, năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 48.817 hộ/201.650 khẩu ở khu vực ven biển, cửa sông phải sơ tán khi có bão; 7.622 hộ/29.392 khẩu sinh sống ở khu vực ven sông, 23.765 hộ/92.657 khẩu ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt cần phải sơ tán khi có mưa, lũ; 4.148 hộ/17.238 khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét; 4.330 hộ/18.858 khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Trong khi đó, về phương án đảm bảo hậu cần, Sở Công thương Thanh Hóa và các địa phương đã có phương án đảm bảo hậu cần khi có thiên tai xảy ra, tổng hợp một số nhu yếu phẩm chính như sau: Gạo tẻ 1.694 tấn; mỳ tôm, lương khô 358.448 thùng; nước uống đóng chai 1.432.770 thùng; muối iốt 2.000 tấn; dầu Diezel 942.599 lít; Xăng 929.071 lít; Dầu hỏa 31.214 lít;…
Đối với công tác đảm bảo y tế và xử lý môi trường sau thiên tai: Các Sở: Y tế, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nhân lực, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau thiên tai với số lượng: 71 tổ vận chuyển cấp cứu; 34 đội phẫu thuật; 64 đội vệ sinh phòng dịch; 43 cơ số y dụng cụ; 153 cơ số thuốc và 640 giường bệnh; 5.536 tấn phèn chua; 317.587 viên và 02 tấn cloramin B; 50 máy xử lý nước và nhiều hóa chất khác.
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thực hiện kế hoạch nạo vét kênh tiêu, phá bỏ ách tắc dòng chảy. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc nạo vét kênh tiêu với khối lượng 1,14 triệu m³; vớt rau bèo với khối lượng 1,049 triệu m².