Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa nhận định vụ Đông Xuân 2020-2021, thời điểm cuối tháng 4 (đúng vào giai đoạn lúa trổ), sẽ có khoảng 24.000 - 38.000 ha lúa có khả năng thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất.
Theo đó, để toàn bộ 6.550 ha lúa Đông Xuân có đủ nước, huyện Quảng Xương đã và đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Sông Chu tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện khu vực xảy ra thiếu nước cục bộ để dẫn, cấp nước, tránh gây hạn giả. Thực hiện nghiêm phương án tưới, lịch tưới đã đề ra, nhằm tránh xảy ra tình trạng tranh cấp nước.
Ngay từ đầu vụ, huyện Nga Sơn đã phối hợp với đơn vị thủy nông thực hiện trữ nước đệm trên các kênh tiêu liên xã, các kênh tiêu nội đồng của các xã để tạo nguồn cho các trạm bơm địa phương và các máy bơm nhỏ tưới cục bộ. Bảo đảm nguồn nước tưới cho 6.900 cây trồng vụ Đông Xuân và hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản. Huyện đã tổ chức đắp đập tạm ngăn mặn sông Càn tại cầu Điền Hộ, xã Nga Phú, xây dựng kế hoạch nạo vét kênh mương, tu bổ các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, vớt bèo, vật cản trên các kênh tưới tiêu.
Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa nhận định vụ Đông Xuân 2020 – 2021 sẽ có khoảng 24.000 - 38.000 ha lúa có khả năng thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất |
Đồng thời, huyện Nga Sơn cũng đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã thực hiện đóng âu Báo Văn để ngăn mặn, giữ nước ngọt. Đắp đập ngăn sông Càn trên địa bàn xã Nga Điền để ngăn mặn và tích trữ nước ngọt hồi quy từ thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và tỉnh Ninh Bình về tưới cho đồng ruộng. Khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản tái sử dụng nước trong trường hợp mặn tăng cao hoặc chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản phù hợp.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cũng đã xây dựng phương án tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 làm cơ sở định hướng cho các địa phương triển khai thực hiện. Đề nghị các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí, tăng cường công tác quản lý, vận hành nhằm giảm tổn thất nước trên kênh và mức tưới.
Phối hợp với các cấp chính quyền dẫn nước tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, nhất là trong thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, tránh tình trạng tranh chấp lấy nước khi hạn hán xảy ra, gây khó khăn cho công tác điều hành chống hạn. Đối với vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, thường xuyên theo dõi lịch thủy triều, con nước, mực nước sông và độ mặn ở vùng triều để đóng, mở các cống, bơm nước vào kênh, đồng ruộng để tích trữ nước khi chất lượng nước bảo đảm yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời khi xảy ra ở các vùng triều.