Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa |
Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.
PV: Một trong những tiêu chí để xây dựng và công nhận NTM là vấn đề môi trường. Vậy Thanh Hóa đã xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Khánh Toàn:
Môi trường là một trong các tiêu chí xây dựng NTM, với mục tiêu BVMT ở khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Để đạt được và duy trì được các yêu cầu của tiêu chí này cần phải có sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ xây dựng NTM các cấp chính quyền địa phương và sự tham gia vào cuộc của người dân, dần dần thay đổi ý thức và chuyển ý thức thành hành động bảo vệ môi trường, hướng đến chủ thể là người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Sở TN&MT Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện tiêu chí và thành phần hồ sơ phục vụ công tác thẩm định xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đối với tiêu chí môi trường. Năm 2017, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1988/2017/QĐ-UBND quy định về vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, các biện pháp và điều kiện thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong công tác vệ sinh môi trường được quy định rõ tại Quy định này, là cơ sở để giúp các địa phương thực hiện tốt công tác BVMT khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu công nghệ cao, có giá trị kinh tế lớn lại thân thiện với môi trường tại Thọ Xuân. |
Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục ô nhiễm môi trường sau thiên tai, lụt bão; hướng dẫn xử lý chất thải chăn nuôi; hướng dẫn chôn lấp CTR sinh hoạt và xử lý nước rỉ rác tại các bãi chôn lấp rác thải, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh tại hộ gia đình... để giúp các xã thực hiện tốt công tác BVMT nói chung và tiêu chí môi trường nói riêng.
Song song với công tác kiểm tra, thẩm định tiêu chí môi trường, giai đoạn 2016- 2020, tổ chức hơn 100 lớp tập huấn về công tác BVMT và hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM cho hơn 6.000 cán bộ cấp huyện, xã, thôn, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được về vấn đề môi trường trong xây dựng NTM ở tỉnh Thanh Hoá
Ông Nguyễn Khánh Toàn
Đến nay, công tác BVMT đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể: Tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 67,9% (năm 2010) lên 95.7% (năm 2020), có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 35,1% (năm 2010) lên 77,1% (năm 2020) tăng đáng kể so với giai đoạn 2010. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường đã được các địa phương áp dụng sáng tạo như vẽ tranh bích họa trên tường, “dòng sông không rác thải”, “trồng hoa thay cỏ dại”, “tuyến đường trồng cây xanh”, “Tổ phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”, “Thùng phân loại rác thải đầu nguồn”, “Nhà sạch, vườn mẫu”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Không chăn thả gia súc, gia cầm dưới sàn nhà”... Qua đó, đã góp phần bảo vệ môi trường sống, làm đẹp cảnh quan tại địa phương. Nhiều địa phương (các xã thuộc huyện Đông Sơn; xã Hoằng Lộc, Hoằng Đồng, Hoằng Thái (Hoằng Hóa); xã Đại Lộc (Hậu Lộc), xã Vân Sơn (Triệu Sơn); xã Nga An (Nga Sơn), xã Trường Sơn (Nông Cống) đã vận động người dân hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm thôn tạo sự đổi thay về diện mạo NTM.
Công tác thu gom và xử lý chất thải đã có chuyển biến, 100% các xã đạt chuẩn NTM đã có tổ thu gom rác thải sinh hoạt để đưa về các bãi rác đã quy hoạch của xã hoặc các khu xử lý chất thải rắn tập trung của huyện để xử lý, nhiều xã đã xây dựng mô hình xử lý rác thải bằng phương pháp đốt và chôn lấp tại hộ gia đình, nâng tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh từ 30% (năm 2010) đến 85 % (năm 2020). Tại các khu vực đồng ruộng, trên 80% các xã đã đầu tư các thùng thu gom vỏ bao bì hóa chất BVTV. Các trang trại đều đã có các hồ sơ thủ tục về môi trường, được quy hoạch ở xa khu dân cư và đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải…
PV: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM còn tồn tại những khó khăn gì và hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Khánh Toàn
Hiện nay, hầu hết các xã đã có bãi rác quy hoạch tuy nhiên phương pháp xử lý rác chủ yếu là đốt và chôn lấp, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì việc xử lý rác tại các bãi rác không đảm bảo hợp vệ sinh, không có biện pháp chống thấm cho các hố rác, không có biện pháp thu gom nước rỉ rác, không thường xuyên phun thuốc khử mùi khu vực. Các địa phương còn lúng túng trong việc xử lý bao bì hóa chất BTVT sau khi đã sử dụng hiện nay đang được lưu chứa tại các thùng chứa đặt trên cánh đồng. Hệ thống thoát nước thải trong khu dân cư chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh (chưa có nắp đậy, gây mất an toàn và phát sinh mùi hôi).
Phụ nữ huyện Lang Chánh dọn vệ sinh trồng hoa bên đường tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Ảnh: baothanhhoa.vn |
Tình trạng sau khi đã đạt chuẩn Nông thôn mới, nhiều xã không thực hiện việc duy trì, củng cố tiêu chí môi trường. Cụ thể: rác thải không được thu gom triệt để, còn đổ bừa bãi dọc các tuyến đường, khu đất trống hoặc đổ ra các sông, ao, hồ, kênh, rạch..., công tác tổng vệ sinh môi trường định kỳ tại các khu vực dân cư, đường làng, ngõ xóm chưa được duy trì thường xuyên; việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các trang trại, gia trại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng một số cơ sở thải chất thải chưa đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa xác định nhiệm vụ cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, giữ gìn cảnh quan nông thôn truyền thống, cân bằng giữa phát triển sản xuất với duy trì chất lượng và giữ gìn giá trị cảnh quan môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung tham mưu, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Thanh Hóa.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 08 đơn vị cấp huyện, 331 xã (đạt 69,39%, trước sáp nhập có 398 xã); 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 4,6%); 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. So với cả nước, về tỷ lệ xã đạt chuẩn của tỉnh cao hơn 6,93% so với bình quân cả nước (62,46%), xếp thứ 4 về số lượng huyện đạt chuẩn NTM; xếp thứ 2 về số lượng xã đạt chuẩn NTM.