Thanh Hà (Hải Dương): Mong mỏi chính đáng của dân đang bị “phớt lờ”

09/03/2018 17:07

(TN&MT) - Mặc dù đã được dùng nước sạch từ Nhà máy nước của Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà, nhưng người dân thôn Lai Xá, xã Thanh Thủy, huyện...

(TN&MT) - Mặc dù đã được dùng nước sạch từ Nhà máy nước của Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà, nhưng người dân thôn Lai Xá, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà (Hải Dương) luôn trong tình trạng “nơm nớp” lo sợ. Bởi nguồn nước, Nhà máy lấy từ kênh trong vườn cây vải thiều, gần nghĩa địa… ngấm xuống đủ loại: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và còn là nơi rửa hài cốt của các mộ cải táng. Do vậy nhiều năm qua, người dân thôn Lai Xá thường xuyên kiến nghị Nhà máy thay đổi nguồn nước, nhưng đến nay vẫn “mòn mỏi” chờ đợi. Vì sao, mong mỏi chính đáng của người dân thôn Lai Xá đang bị phớt lờ?
 
Nước sạch - từ kênh ô nhiễm
 
“Mục sở thị” phản ánh của người dân thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, nhiều năm qua phải dùng nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng từ Nhà máy nước của Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà cung cấp. Chúng tôi “giật mình” bởi lo sợ của người dân là hoàn toàn có cơ sở, khi đi dọc theo Kênh cống chợ Lại, nơi nước đang được lấy lên cung cấp cho trên 1.000 hộ dân thôn Lại Xá. Nước đục ngầu, nổi lểnh bềnh các loại chai, lọ thuốc trừ sâu, diệt cỏ, con vật chết và gần nghĩa địa. Theo người dân thôn Lại Xá, Nhà máy nước Thanh Thủy được xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 2010. Do có nước sạch, nên đa số các hộ đều lấp giếng, phá bỏ bể nước mưa. Sử dụng nước máy một thời gian, ai cũng phàn nàn vì nước đục, nơm lớp lo sợ nước bị ô nhiễm gây bệnh tật, nhưng vẫn phải dùng vì đã lấp hết mọi nguồn nước khác.
Thanh Hà (Hải Dương): Mong mỏi chính đáng của dân đang bị “phớt lờ”
Ông Nguyễn Đức Nhân, Trưởng thôn Lại Xá cho ý kiến mong mỏi người dân được chuyển nguồn nước mới
Lâu nay, người dân trong thôn chúng tôi thường xuyên có ý kiến với Nhà máy thay đổi nguồn nước là chính đáng, phù hợp với chủ trương của tỉnh Hải Dương - Bà Nguyễn Thị Tuyến, thôn Lại Xá, nói: “Nhà máy nước của Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà, lấy nước từ kênh nội đồng, rất xa nguồn nước sông Thái Bình. Kênh nằm trong vườn của các hộ trồng vải nên khi người dân phun các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… ngấm vào mạch nước ngầm rồi chảy xuống kênh này. Không những vậy, kênh còn chứa đủ các loại rác thải, chuột, gà chết… gần Nghĩa trang nhân dân xã, nên đến mùa cải tang; họ mang cả xương người xuống rửa, vứt ván gỗ và rác xuống dòng kênh. Nhiều gia đình không dám dùng nước máy ăn, uống… đã tìm đủ mọi cách, như: mua thùng, téc về hứng nước mưa, còn nước máy chỉ để giặt quần áo và sinh hoạt. Người dân rất lo sợ nguồn nước sẽ gây bệnh tật, mong muốn Công ty đổi nguồn nước mới, nên thường xuyên ý kiến đến chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn “mỏi mòn” chờ đợi.”
2-Thanh Hà (Hải Dương): Mong mỏi chính đáng của dân đang bị “phớt lờ”
Nguồn nước của Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà cung cấp cho người dân đang bị ô nhiễm nghiêm trọng
Ông Nguyễn Đức Nhân, Trưởng thôn Lai Xá, xác nhận: Thường xuyên, người dân trong thôn bức xúc, thậm chí kéo đến cả nhà ông, yêu cầu thôn để nghị Công ty thay đổi nguồn nước mới, không được bơm nước nội đồng như hiện nay. Theo ông Nhân những yêu cầu của người dân là hoàn toàn chính đáng, bởi nguồn nước Kênh cống chợ Lại chảy qua vườn vải của thôn đang ô nhiễm rất nặng. Do mỗi vụ vải người dân trong thôn dùng gần 400 lít thuốc trừ sâu phun vải thiều, lượng thuốc ngấm vào đất, chảy vào mương và đổ ra Kênh cống chợ Lại. Kênh còn là nơi chứa rác rưởi, từ việc chăm sóc vải thiều và các gia đình bốc mộ tại nghĩa trang. Thôn đã ý kiến nhiều với xã và Công ty nhưng nguồn nước vẫn chưa được thay thế. Các hộ gia đình buộc phải sử dụng, dù biết rắng nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng không còn cách nào khác.
 
Dân mỏi mòn chờ…?
 
Trước những lo lắng, bức xúc của người dân và Trưởng thôn Lại Xá, đại diện chính quyền xã Thanh Thủy, ông Phạm Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy, trả lời: Xã Thanh Thủy có hai thôn: Khánh Mậu, Lại Xá. Hiện nay, người dân thôn Khánh Mậu đang dùng nước sạch từ Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Thanh Sơn, nguồn nước này hoàn toàn đảm bảo yêu cầu, vì được lấy từ sông lớn Thái Bình. Còn lại gần 1 nghìn hộ dân của thôn Lại Xá dùng nước được cung cấp từ Nhà máy nước của Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà vào năm 2010. Xã thường xuyên nhận được kiến nghị của người dân thôn Lại Xá yêu cầu Nhà máy thay đổi nguốn nước, vì nguồn nước hiện tại đang lấy, bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, rác rưởi và nước thải sinh hoạt của hộ gia đình thải ra. Cùng với đó, Nhà máy nước xây dựng đã cũ, không được nâng cấp. Với hệ thống sử lý còn sơ soài, gồm: 4 bể lọc nhưng 5 năm trở lại đây chỉ dùng 2 bể lọc. Nước được bơm từ kênh vào bể chứa có pha dung dịch khử trùng rồi chuyển sang bể lọc cát và bơm thẳng đến các hộ dân.

Theo ông Tuyến, cách xử lý như vậy quá thô sơ, không thể bảo đảm chất lượng nước sạch. Xã đã có báo cáo với UBND huyện Thanh Hà và làm việc với Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà. Huyện đã có ý kiến chỉ đạo ban, ngành cùng phối hợp xã, Công ty chuyển nguồn nước phục vụ cho người dân, theo đúng Quyêt định số 2639/QĐ - UBND ngày 24/10/2014 của UBND tỉnh Hải Dương (quy hoạch tổng thể mạng lưới cấp nước sạch tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025). Để đảm bảo chất lượng nước đầu nguồn, đơn vị cung cấp nước phải chuyển đổi nguồn nước lấy tại các sông lớn, không được dùng nguồn nước nội đồng. Mới đây (tháng 11/2017) Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà cũng đã đồng ý chuyển đổi nguồn nước cho người dân, cam kết trong vòng 15 ngày sẽ hoàn thiện nguồn nước mới, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.
3-Thanh Hà (Hải Dương): Mong mỏi chính đáng của dân đang bị “phớt lờ”
Công nghệ nhà máy nay đã cũ kỹ, thô sơ không đáp ứng được yêu cầu xử lý nước.
Để có đánh giá khách quan, Phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã có buổi làm việc với ông Vương Quốc Sùng, Giám đốc Nhà máy. Trước những nội dung thông tin của người dân, chính quyền địa phương, ông Sùng, trình bày: Năm 2010, Công ty thực hiện Dự án khai thác nước ngầm, để cấp nước cho người dân thôn Lại Xá, nhưng do nguồn nước ngầm có độ mặn cao nên không thể thực hiện được. Công ty đã xin cấp phép khai thác nước mặt và được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận. Trước ý kiến người dân lo sợ dùng nguồn nước kênh ô nhiễm, Công ty đã có đánh giá khách quan và tiếp thu ý kiến, muốn chuyển đổi nguồn nước lấy từ sông lớn Thái Bình; nhưng do số lượng khách hàng ít, Công ty không đủ vổn để đầu tư lắp đặt đường ống nước, vì nguồn nước ở xa. Công ty đã đặt vấn đề mua lại nước từ Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Thanh Sơn, nhưng thời điểm đó Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Thanh Sơn chưa lắp trạm tăng áp nên nước không đủ để bán lại cho Công ty. Mới đây, Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Thanh Sơn cải tạo đường ống, lắp thêm trạm tăng áp nên đã đồng ý bán nước và phương án thi công đã được thống nhất. Công ty có Văn bản gửi chính quyền xã Thanh Thủy, Thanh Sơn và xin ý kiến của các hộ dân có đường ống nước đi qua. Nhưng đến nay đã gần 4 tháng, việc lắp đặt đường ống mua nước vẫn chưa thực hiện được, vì chỉ “vướng” xã Thanh Sơn không đồng ý cho việc bán nước. Chứ hiện nay, Công ty rất mong được cung cấp nguồn nước mới cho người dân - ông Sùng nói.
 
Vậy bao năm qua, người dân thôn Lại Xá “mỏi mòn” chờ đợi được thay đổi nguồn nước theo đúng chủ trương của tỉnh Hải Dương, mọi việc tưởng chừng “đơn giản” vì chính quyền sở tại, Nhà máy đều đồng thuận… nơi bán cũng đã cam kết và đã sẵn sàng. Nhưng lại “vấp” phải việc không đồng ý của xã Thanh Sơn. Lý do vì sao, động cơ nào mà những việc làm chính đáng, man mục đích “an sinh, xã hội” của người dân thôn Lại Xá đang bị “phớt lờ”?
 
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hà (Hải Dương): Mong mỏi chính đáng của dân đang bị “phớt lờ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO