Thanh Chương (Nghệ An): Cần xem xét trả lại đất để làm nơi thờ tự các liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng

10/09/2019 11:50

(TN&MT) - Hai mảnh đất liền kề nhau của Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Cọi và mẹ liệt sỹ Võ Thị Yêm ở xã Thanh Lương, Thanh Chương (Nghệ An); trong thời kỳ chiến tranh cho cơ quan nhà nước mượn làm nơi làm việc. Sau khi các mẹ qua đời, xã lấy đất để xây trường học, sau này trường chuyển đi nơi khác và đất để hoang từ đó. Nay, cháu các mẹ đòi lại đất để xây nhà thờ tưởng niệm các liệt sỹ và mẹ VNAH nhưng không được giải quyết nguyện vọng.

Bà Nguyễn Thị Cọi, ở xóm 5, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương sinh được 4 người con trai. Con trai đầu mất khi còn nhỏ, ba người còn lại là Nguyễn Duy Bính, Nguyễn Duy Năm và Nguyễn Duy Lục. Anh Nguyễn Duy Năm đi bộ đội, hy sinh trên chiến trường Lào cuối năm 1946. Anh Nguyễn Duy Lục hy sinh trong chiến dịch Hòa Bình năm 1951. Hai con của bà Cọi hy sinh lúc tuổi đời còn trẻ và chưa có vợ con. Bà Cọi chỉ còn lại người con Nguyễn Duy Bính. Nỗi đau chồng chất khi đầu năm 1973, Nguyễn Ngọc Sơn là cháu đích tôn của bà Cọi (con trai của ông Nguyễn Duy Bính) cũng hy sinh trên chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Duy Chương bên bàn thờ 3 liệt sỹ và Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi
Ông Nguyễn Duy Chương bên bàn thờ 3 liệt sỹ và Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi

Ở hậu phương trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, Nhà máy ép dầu lạc Vinh sơ tán về xã Thanh Lương, bà Cọi đã để nhà và vườn của mình cho công nhân mượn để ở và làm việc, chiến tranh kết thúc, họ đã trả lại vườn và nhà cho bà. Cuối năm 1973 bà Cọi mất, để lại 3 gian nhà và 1.000m3 đất ở. Năm 1974, xã Thanh Lương đã dỡ nhà của bà Cọi, lấy mảnh đất để xây trường mầm non xã. Đến năm 2011, trường mần non xã Thanh Lương chuyển đến địa điểm mới và khu đất này bị bỏ hoang do UBND xã Thanh Lương quản lý. Năm 2015, bà Nguyễn Thị Cọi đã được nhà nước truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng''.

Láng giềng kề vườn bà Cọi là bà Võ Thị Yêm, bà Yêm có một người con trai duy nhất là liệt sỹ Bùi Văn Nhơm, hy sinh năm 1954. Anh Nhơm hy sinh, bà ở một mình trong căn nhà và mảnh vườn cạnh bà Cọi. Nhà bà Yêm cũng cho Nhà máy ép dầu lạc Vinh mượn nhà làm việc. Thời gian sau, bà Yêm mất, UBND xã Thanh Lương đã dỡ nhà của bà để lấy vườn rộng 600m2 xây trường mầm non xã như trường hợp của bà Cọi. Mảnh vườn trên, nay cũng đang bỏ hoang do trường mầm non đã chuyển đi chỗ khác.

Hiện nay, ở Thanh Lương có 2 thân nhân liệt sỹ cùng đề nghị lấy lại vườn cũ của các mẹ liệt sỹ. Người thứ nhất là ông Nguyễn Duy Chương là con của ông Nguyễn Duy Bính, cháu nội của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cọi (là em ruột của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Sơn). Hiện tại, ông Chương đang thờ phụng 3 liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cọi tại căn nhà nhỏ của mình. Người thứ 2 là ông Võ Quốc Toản là cháu bên ngoại của bà Bùi Thị Yêm (do bên họ nội bà Yêm không còn ai). Ông Toản được đại diện họ tộc bên ngoại ủy quyền việc thờ cúng liệt sỹ Bùi Văn Nhơm và bà Võ Thị Yêm.

Mảnh đất bị thu hồi nay vẫn bỏ hoang nhưng chính quyền đang có kế hoạch phân lô bán nền
Mảnh đất bị thu hồi nay vẫn bỏ hoang nhưng chính quyền đang có kế hoạch phân lô bán nền

Cả 2 ông đều cho rằng, đất vườn của 2 mẹ liệt sỹ là do tổ tiên để lại thuộc đất hương hỏa và có người thừa kế nên việc UBND xã Thanh Lương thời kỳ đó lấy vườn của 2 bà là chưa thỏa đáng. Nhiều năm qua, 2 ông đã liên tục viết đơn gửi các cấp có thẩm quyền xin được cấp lại hai mảnh vườn bị thu hồi nay đang bỏ hoang để xây nhà thờ tưởng niệm các liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong vài năm trở lại đây, do không đồng ý với cách giải quyết của chính quyền, vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh liệt sỹ ông Chương, ông Toản đều mang quà của nhà nước tặng các liệt sỹ trả lại cho địa phương với lý do các liệt sỹ không có chỗ thờ cúng.

Tài liệu liên quan đến mảnh vườn của 2 bà là giấy xác nhận của của ông Nguyễn Khắc Thuận, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch của Nhà máy ép dầu lạc Vinh xác nhận có mượn đất vườn và đã bàn giao lại cho 2 gia đình. Cùng với đó là danh sách của nhiều người dân ở xóm 5, xã Thanh Lương xác nhận 2 mảnh vườn trước đây là của bà Cọi và bà Yêm.

Ông Nguyễn Duy Chương cho biết, trước đây do trường mầm non đang hoạt động nên ông không nỡ đòi đất vì để cho các cháu học. Từ năm 2012, khi làm nông thôn mới, trường mầm non phải chuyển nơi khác để đúng với quy định tiêu chuẩn diện tích nên đất đó bỏ hoang thì ông mới đề nghị lấy lại. “Nguyện vọng của gia tộc tôi là đòi lại đất hương hỏa của tổ tiên đề làm nhà thờ cho các liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà thôi” - Ông Chương nói.

Còn ông Võ Quốc Toản cháu của bà Yêm cũng cho rằng, trước đây khi còn sống, bố ông là ông Võ Quốc Trình đã đòi lại đất từ năm 1985 và nhiều lần sau đó nhưng không được. Năm 2018, ông Trình mất để lại di nguyện muốn lấy lại đất vườn. “Tôi đã đề nghị chính quyền trả lại đất, để sau đó huy động anh em xây một căn nhà tình nghĩa làm nơi thờ bà Yêm và bác Nhơm” - Ông Toản mong muốn.

Ông Nguyễn Trọng Phú - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương, cho biết: Trước đây đất đai không quản lý như bây giờ, năm 1974, xã làm trường mầm non, khi đó không ai ở thì tập thể sử dụng. Cách giải quyết vấn đề đất vườn của 2 công dân xã chỉ biết đề nghị với huyện.

Về vấn đề này, ngày 4/4/2019, UBND huyện Thanh Chương đã có công văn trả lời: Ngày 26/6/2018, xã Thanh Lương đã có tờ trình xin khảo sát, lựa chọn địa điểm, quy hoạch chia lô đất ở tại khu vực trường mầm non cũ. Ngày 6/7/2018, UBND huyện đã có quyết định cho phép xã khảo sát, lập quy hoạch chi tiết chia lô đất cư dân nông thôn tại đây. Còn thửa đất số 661, trước đây có một phần là vườn ở của bà Nguyễn Thị Cọi và một phần là vườn của bà Bùi Thị Yêm. Trong thời gian xảy ra chiến tranh, gia đình bà Cọi và bà Yêm cho nhà máy ép dầu lạc Vinh mượn. Sau khi hai bà mất, nhà cửa bị hư hỏng, năm 1974, UBND xã đã sử dụng khu đất này xây dựng trường mầm non. Thửa đất sau đó đã được tách một phần diện tích để xây nhà văn hóa xóm 5 (1994), một phần xây đền Thành Hoàng (năm 2000). Đến năm 2011, trường mầm non quy hoạch sang nơi mới và giao lại cho xã quản lý. Căn cứ Khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc đề nghị trả lại thửa đất số 661 là không thể giải quyết.

Không đồng ý với cách giải quyết của huyện, ông Chương tiếp tục kiến nghị. Ngày 5/7/2019, UBND huyện Thanh Chương có công văn số 1033 trả lời với nội dung: Việc ông Chương đề nghị trả lại đất là không có cơ sở. Trường hợp hộ gia đình có nhu cầu đề nghị được giao đất ở tại vị trí quy hoạch phân lô bán nền ở vùng trường mầm non cũ thì trực tiếp đến UBND xã Thanh Lương để được hướng dẫn theo quy định của pháp luật.

Mặc dù huyện Thanh Chương đã trả lời nhưng 2 ông vẫn cho rằng, việc đòi lại đất của 2 ông là có cơ sở vì việc thân nhân người có công với cách mạng đòi lại đất của mình là hoàn toàn chính đáng.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Chương (Nghệ An): Cần xem xét trả lại đất để làm nơi thờ tự các liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO