Đây là kết quả của dự án nghiên cứu làm than hữu cơ không khói từ những phế phẩm có sẵn tại địa phương. Dự án đã đoạt giải tư cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia.
Chứng kiến một khối lượng lớn vỏ sầu riêng và bã mía trên địa bàn huyện Tân Phú bị thải bỏ gây áp lực cho môi trường và lãng phí tài nguyên, Thái và Khoa đã bắt tay vào nghiên cứu, vận dụng kiến thức đã được học kết hợp nghiên cứu mở rộng, sâu hơn kiến thức về vật liệu, học cách làm nghiên cứu khoa học…
Với sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn Nguyễn Thị Thu Hồng, sau hơn 200 thí nghiệm cùng với nhiều chuyến thực hiện phân tích chất lượng sản phẩm và ép than bằng máy thủy lực nhờ ở tận TP.HCM do trường không có đủ cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu dự án, sản phẩm mẫu đã nên dáng nên hình. Nhóm nghiên cứu đã mang mẫu đến trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để kiểm định hàm lượng chất bốc, độ ẩm, độ tro, nhiệt lượng, hàm lượng carbon theo tiêu chuẩn Việt Nam và đáp ứng được tiêu chuẩn của than sạch.
Viên than có kích thước nhỏ, gọn. Than khi đốt không tạo khói, không gây độc, thân thiện với môi trường. Lượng nhiệt tỏa ra tương đương với loại than sạch hiện có trên thị trường. Không làm mất đi mùi thơm tự nhiên của món ăn khi nướng…
Theo tính toán của nhóm, chi phí sản xuất 1kg than là 13,5 ngàn đồng (làm theo phương pháp thủ công ở quy mô nghiên cứu và chưa tính chi phí nhân công). Trong khi đó, các loại than không khói trên thị trường hiện có giá bán khoảng trên 10 - 30 ngàn đồng/kg. Do vậy, nếu được đầu tư sản xuất, than thơm hoàn toàn có khả năng thương mại hóa rộng rãi.
Dự án là thử thách với độ tuổi của các em. Qua đây có thể thấy, chỉ cần có tình yêu môi trường, niềm đam mê và có người dẫn dắt thì độ tuổi nào cũng có thể thành công.